Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đồng ý rằng nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hướng quan trọng trong bối cảnh đề cao an toàn thực phẩm. Nhưng phải hiểu chính xác NNHC là thế nào và làm như thế nào ở Việt Nam thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Trần Thanh Nam, hiện nay sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên thế giới tăng 10% - 15%/năm, tốc độ tăng ở Việt Nam cũng tương tự. Diện tích canh tác hữu cơ năm 2016 đã tăng gấp 3,6 lần năm 2010 và đạt trên 77.000 ha. Bộ NN&PTNT khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở những vùng có điều kiện đất đai, thổ nhưỡng và thời tiết phù hợp nhưng vẫn phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam. |
“Chúng tôi khuyến khích tập trung sản xuất thực phẩm an toàn và hướng đến hữu cơ. Những nơi có điều kiện, nhất là vùng cao, vùng núi còn hoang hóa có thể triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì đề nghị chính quyền các cấp hỗ trợ triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ NN&PTNT đang xây dựng bộ tiêu chuẩn về hữu cơ vừa bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế vừa phù hợp với điều kiện và quy trình sản xuất của Việt Nam”, ông Nam nói.
TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng, nông nghiệp trong nước có nhiều phương thức canh tác nhưng sợ nhất là chạy theo phong trào. Đã có nhiều bài học, làm VietGAP; làm công nghệ cao; mới đây nhất là cách mạng 4.0 trong nông nghiệp cũng chạy theo phong trào. TS. Bộ cho rằng phải có lộ trình chuyển đổi để đi từ căn bản tiến lên bền vững. Hành lang pháp lý mà cụ thể là Nghị định về NNHC sắp ban hành sẽ cởi trói nhiều nút thắt hiện nay.
Theo ông Hà Phúc Mịch - Chủ tịch VOAA, hiện nay sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở Việt Nam đã được 33/63 tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai, trong đó có nhiều mô hình đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Diện tích canh tác hữu cơ năm 2016 đã tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010 và đạt khoảng 77 ngàn hecta. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là một con số quá nhỏ so với 50,9 triệu hecta canh tác hữu cơ của thế giới và 11,53 triệu hecta đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Về sản xuất nông sản hữu cơ, hiện nay cả nước có 26 đơn vị, với diện tích 4.100 hecta, ở 15 tỉnh thành mà tập trung chủ yếu là TP. Hà Nội và các tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Hà Nam, Lâm Đồng, Cà Mau, Bến Tre, Bà Rịa-Vũng Tàu. Một số sản phẩm hữu cơ đã có chỗ đứng vững trên thị trường như mật ong, rau, chè, thịt heo, tôm.
Tuy nhiên, việc sản xuất NNHC hiện nay cơ hội thì ít mà khó khăn thách thức thì nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do quy trình sản xuất khắt khe, chi phí chứng nhận cao và phức tạp, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, thị trường tiêu thụ chưa ổn định…
Ông Lê Quốc Phong – Phó Chủ tịch VOAA, TGĐ. Công ty CP Phân bón Bình Điền, Trưởng BTC Diễn đàn cho biết: “Việt Nam là một nước nông nghiệp, đất chật người đông. Diện tích đất nông nghiệp trên đầu người chỉ bằng 8,7% trung bình của thế giới. Để đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là tăng năng suất, mà muốn tăng năng suất thì chỉ có con đường ưu tiên hóa học hóa hay phi hữu cơ. Đây là xu thế của các nước đang phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, NNHC cũng là một phương thức sản xuất mà chúng ta cần quan tâm”.
Ông Lê Quốc Phong - Phó Chủ tịch VOAA, TGĐ công ty CP Phân bón Bình Điền. |
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, hiện nay các nước phát triển trên thế giới như Mỹ cũng mới chỉ có hơn 2% sản phẩm NNHC, Châu Âu là 5% và tính chung trên toàn thế giới sản phẩm NNHC chiếm khoảng 5%. Chính vì vậy, ông Bổng cho rằng sản xuất NNHC là hướng đi tất yếu. Tuy nhiên, chúng ta không nên phát triển NNHC một cách ồ ạt và chạy theo phong trào mà cần phải có lộ trình cụ thể, cùng với đó là điều kiện canh tác phù hợp...
Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc Công ty Viễn Phú organic và healthy food, cho rằng hiện nay nhà sản xuất sản phẩm hữu cơ và người tiêu dùng vẫn chưa gặp nhau do sản phẩm này giá quá cao, thị trường sản phẩm hữu cơ thì vàng thau lẫn lộn. Trong khi đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ rất tốn kém nên giá bán không thể rẻ. Nếu được nhà nước cho vay vốn ưu đãi để đầu tư sản xuất, khuyến khích đầu tư phát triển phân bón chế phẩm sinh học hữu cơ đạt chứng nhận trong nước thay sản phẩm nhập khẩu, hỗ trợ trong khâu phân phối, truyền thông thì sẽ giảm giá bán sản phẩm đáng kể. Bên cạnh đó, nếu chính sách tốt sẽ thu hút thêm nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực này, cạnh tranh lành mạnh sẽ giảm giá thành và người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận với sản phẩm hữu cơ hơn.