Thứ 2, 25/11/2024, 23:11 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Người Việt tiêu thụ gần 73 tấn kem mỗi ngày

Người Việt tiêu thụ gần 73 tấn kem mỗi ngày
(Tieudung.vn) - Sản lượng bán lẻ năm nay ước tính khoảng 26.600 tấn mang về cho các công ty sản xuất kem và thực phẩm tráng miệng hơn 3.000 tỷ đồng.

Hãng nghiên cứu Euromonitor cho biết, sản lượng bán lẻ kem và tráng miệng trong năm nay ước tính đạt 26.600 tấn, tăng 7% so với năm ngoái. Bình quân mỗi ngày, người Việt tiêu thụ khoảng 72,8 tấn sản phẩm này.

Giá trị bán lẻ đạt khoảng 3.033 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái và gấp đôi so với cách đây 5 năm. Mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ việc thu nhập người dân tăng, kéo theo chất lượng cuộc sống ngày càng cao.

Bình quân giá bán sản phẩm kem và thực phẩm tráng miệng tiếp tục tăng do xu hướng cao cấp hoá sản phẩm, đặc biệt là tại các thành phố lớn ngày càng phổ biến. Bên cạnh đó, tình hình lạm phát và chi phí nhân công, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất cũng chưa có dấu hiệu chững lại.

Do ảnh hưởng của văn hoá Nhật Bản, kem hương vị dần chiếm lĩnh thị trường. Doanh số bán hàng của dòng sản phẩm này trong năm nay chỉ xếp sau những hương vị truyền thống như chocolate, vani… Nhiều doanh nghiệp đầu ngành như , Nestlé Việt Nam cũng nhanh chóng bổ sung hương vị này vào danh mục sản phẩm. Các sản phẩm mới được sự báo sẽ tác động lớn đến cục diện của ngành kem bởi cả hai công ty này đều sở hữu thương hiệu tốt và mạng lưới phân phối rộng khắp toàn quốc.

Báo cáo của Euromonitor cho thấy, thị phần ngành kem đang có sự phân hoá rõ rệt. Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Kido duy trì vị thế dẫn đầu với 40,2% thị phần, tăng đáng kể so với năm ngoái. Trong đó, nhãn hiệu Merino và Celano lần lượt chiếm khoảng 22% và 15% thị phần. Đây cũng là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm 8 công ty đầu ngành ghi nhận sự tăng trưởng thị phần.

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Unilever Việt Nam chia nhau các vị trí tiếp theo với tỷ lệ lần lượt là 9,1% và 8,4%. Thị phần của các doanh nghiệp này đồng loạt giảm khoảng 0,1-0,4% so với năm ngoái.

Nhờ sự đóng góp lớn từ các doanh nghiệp trong nước mà giá trung bình tiếp tục chi phối thị trường. Tuy nhiên, một số thương hiệu cao cấp của nước ngoài như Swensens và Baskin-Robbins đang cho thấy trỗi dậy mạnh mẽ, nhất là ở mảng kem không đóng gói.

Dù ngành kem và thực phẩm tráng miệng đang ở thời điểm “chín muồi”, thuế nhập khẩu có thể giảm trong tương lai khiến mức độ cạnh tranh càng khốc liệt hơn nhưng tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm sẽ ở mức 7%, khá cao so với những ngành thực phẩm đóng gói khác.

Tags:
4.1 23 5 Nhấn vào đây để đánh giá

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.80739 sec| 772.602 kb