Người tiêu dùng tin cậy
Công ty nghiên cứu thị trường Statista (CHLB Đức) vừa công bố báo cáo Made In Country Index 2017, dựa trên cuộc khảo sát hơn 43.000 người tiêu dùng tại 52 quốc gia về chất lượng sản phẩm được sản xuất tại 49 quốc gia và Liên minh châu Âu EU. Căn cứ vào các tiêu chí, báo cáo này cho thấy, hàng Việt Nam đạt 34/100 điểm, xếp thứ 46 trong 52 quốc gia được đưa ra đánh giá; xếp thứ 43 về tiêu chí chất lượng cao; thứ 38 về tiêu chuẩn bảo mật; thứ 8 về tính kinh tế; thứ 43 về tính độc đáo, thiết kế xuất sắc và công nghệ tiên tiến. Đối với các tiêu chí hàng thật, độ an toàn, mức độ công bằng trong sản xuất và khả năng chứng tỏ vị thế, hàng Việt Nam lần lượt đứng ở vị trí 46, 45, 40 và 44. Trên thế giới, hàng Việt Nam được đánh giá cao nhất tại Ecuador (thứ 10), Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (thứ 20). Ngay cả tại thị trường Trung Quốc, hàng Việt Nam cũng được 34% người khảo sát Trung Quốc nhận xét đáng tin cậy.
Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc được coi là công xưởng toàn cầu, thế nhưng hàng Trung Quốc chỉ đạt 28 điểm, đứng vị trí 49 ở các tiêu chí như độ bảo mật, tính độc đáo, hàng thật và độ bền. Theo khảo sát chỉ 10% người Việt Nam, 15% người Thái Lan, 17% người Singapore và 14% người Philippines có đánh giá tích cực về hàng hóa nước này. Tỷ lệ tại các nền kinh tế khác trong khảo sát đa phần dưới 30%, thậm chí là 0%.
Đánh giá về các chỉ số xếp hạng trên, theo ông Hoàng Trọng - chuyên gia cố vấn chuyên môn Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao nêu rõ: Hiện trình độ, độ khéo léo của công nhân Việt Nam trong quá trình sản xuất hàng hóa hơn hẳn lao động Trung Quốc. Chính vì vậy các sản phẩm hàng “made in Viet Nam” hay da giày, quần áo của các công ty đa quốc gia được sản xuất tại Việt Nam luôn được người tiêu dùng thế giới đánh giá cao hơn hàng Trung Quốc.
Hàng Việt mẫu mã kém, đơn điệu
Thực tế cho thấy mặc dù hàng Việt Nam được đánh giá cao hơn hàng Trung Quốc nhưng một bộ phận người tiêu dùng vẫn sử dụng hàng Trung Quốc. Lý giải về vấn đề này, theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, mặc dù người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng hàng Việt, thế nhưng mẫu mã sản phẩm Việt khá đơn điệu, không đa dạng về chủng loại, giá thành cao. Trong khi hàng Trung Quốc bắt chước mẫu mã nước ngoài nên phong phú, đặc biệt giá bán rẻ hơn hàng Việt.
Đồng tình với ý kiến này, bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết: Nhiều người tiêu dùng Việt do thu nhập chưa cao nhưng vẫn muốn sử dụng hàng chất lượng tốt, giá rẻ. Ở hướng ngược lại, những người có thu nhập cao muốn mua sản phẩm có thương hiệu quốc tế, do đó không thích dùng hàng Việt chưa có thương hiệu. Ngoài ra, người tiêu dùng vẫn chưa từ bỏ tâm lý ưa chuộng hàng ngoại cũng tạo cơ hội cho hàng Trung Quốc xâm nhập thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều DN Việt không biết cách làm thương hiệu bài bản, không có chiến lược tiếp cận thị trường cũng như xác định rõ ràng khách hàng tiềm năng tiêu thụ sản phẩm, từ đó xây dựng phương án sản xuất sao cho phù hợp yêu cầu thị trường.
Để hàng Việt đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng, đòi hỏi DN Việt Nam cần đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt, đồng thời trong quá trình sản xuất DN cần có sự linh hoạt đáp ứng từng phân khúc nhất định. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần phải kiểm soát được chất lượng hàng Trung Quốc nhập khẩu, bởi thực tế cho thấy nhiều mặt hàng Trung Quốc giá rẻ, thậm chí không đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào Việt Nam nhưng các cơ quan kiểm định lại không phát hiện khiến người tiêu dùng thiệt thòi.