Sau mỹ phẩm là thực phẩm
Hơn 60 doanh nghiệp quy mô của Hàn Quốc đang có chuyến thăm và xúc tiến thương mại tại Việt Nam. Sự kiện Vietnam Expo cũng có gần 100 doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự. Trước đó, nhiều hội chợ về ẩm thực, mỹ phẩm Hàn Quốc cũng liên tiếp được tổ chức để tiếp cận người tiêu dùng Việt.
Trong đợt triển lãm lần này, các sản phẩm bao gồm mỹ phẩm, trang sức, thời trang; đồ gia dụng-bếp; thực phẩm, đồ uống; thiết bị LED. Đây đều là những sản phẩm được ưu chuộng tại Hàn Quốc, cũng nằm trong trong lộ trình cắt giảm thuế theo Hiệp định FTA vừa được ký kết.
Lê Hàn Quốc được giới thiệu tại một hệ thống siêu thị |
Các doanh nghiệp Hàn Quốc khá nhanh nhạy khi xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Theo khảo sát, sản phẩm của Hàn đã có mặt tại nhiều gia đình Việt, tuy nhiên so với thị phần của Thái Lan hay Nhật Bản, con số vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu ở hai thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM.
Ông Nguyễn Vũ Tuấn, GĐ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu TCT, cho biết, Hàn Quốc có ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng Việt thông qua phim ảnh, chương trình ca nhạc, chính vì thế những người trẻ và phụ nữ nội trợ luôn có xu hướng quan tâm và có nhu cầu mua sản phẩm Hàn Quốc. Bên cạnh đó, số lượng người Hàn sống tại Việt Nam và người Việt xuất khẩu lao động ở Hàn trở về tăng, nhu cầu về thực phẩm Hàn Quốc cũng tăng cao.
Nhận thấy tiềm năng này, doanh nghiệp của ông Tuấn đang đẩy mạnh nhập nhiều sản phẩm của Hàn Quốc về phân phối trong hệ thống bán lẻ như hoa quả, nước gạo, gia vị, thảo mộc và nhiều sản phẩm đồ thủy sản. Đánh giá của ông Tuấn, người tiêu dùng trong nước ưu chuộng.
Rất nhiều sản phẩm trước đây nhập từ Nam Mỹ và châu Âu, công ty này đã chuyển sang nhập Hàn Quốc như lê, nho, dâu tây, nấm, hành, kem, sản phẩm thủy sản. Theo ông Tuấn, hiệp định thương mại FTA giữa hai nước được ký kết mở ra nhiều cơ hội hợp tác nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc vào Việt Nam với giá cả phải chăng, phù hợp với đại đa số người dân.
Không chỉ mở rộng kênh phân phối mạng lưới trong nước, các doanh nghiệp Hàn Quốc còn trực tiếp bán hàng tại Việt Nam. Lotte Mart đã khai trương được 12 siêu thị trên phạm vi toàn quốc và năm nay, tập đoàn này còn khai mô hình cửa hàng tiện ích.
Đến nay, K-market len lỏi vào nhiều khu dân cư đông người Hàn với mục đích ban đầu phục vụ người Hàn tại Việt Nam, sau đó mở rộng sang người tiêu dùng Việt. Đến năm 2020, hệ thống này dự định sẽ mở 100 cửa hàng K-market và 100 K-food tại Việt Nam.
Đẩy mạnh mua bán sáp nhập
Với tiềm năng của ngành thực phẩm, các doanh nghiệp Hàn Quốc đang mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam thông qua các thương vụ M&A. Đơn cử như CJ CheilJedang, một công ty thực phẩm ở Seoul vừa mua lại hơn 47% của công ty xuất nhập nhẩu Cầu Tre, một trong những công ty thực phẩm lớn nhất tại TP.HCM.
Đây là một công ty thuộc Tổng công ty Sài Gòn, có doanh nửa đầu năm 2016 là 15 triệu USD. Cầu Tre được cổ phần hoá cách đây 10 năm với số tống ban đầu 5 triệu USD.
Thực phẩm Hàn Quốc đổ bộ vào Việt Nam qua các kênh bán lẻ |
Trong tháng 3, CJ đã chi 13 triệu USD để mua lại 4% của công ty thực phẩm Vissan, một doanh nghiệp chế biến thực phẩm vào hàng lớn nhất Việt Nam. CJ từng tham vọng mua lại 14% cổ phiếu của Vissan nhưng thoả thuận không đạt được.
Daesang Corp mua lại gần như toàn bộ cổ phần của Công ty Thực phẩm Đức Việt với mức giá 32 triệu USD. Daesang sở hữu 3 nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Việc tiếp quản Đức Việt hứa hẹn giúp họ tăng thị phần trong lĩnh vực chế biến thịt còn non trẻ ở Việt Nam.
Về đầu tư vào Việt Nam, tính đến cuối tháng 5/2016, Hàn Quốc đã có 5.273 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 49 tỷ USD, đứng thứ nhất về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư trong tổng số 115 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng 70 vạn lao động và đóng góp trên 25% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam.
Đánh giá về thị trường Việt Nam, ông Cho Chun Yong, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp TP Bucheon, Hàn Quốc, cho biết, các doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia hội chợ nhiều năm liên tục bởi Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng cao, cơ sở vật chất cải thiện nhanh chóng và đang nổi lên như là một quốc gia đầu tư trọng tâm trong khu vực Đông Nam Á.
Năm 2015 đánh dấu sự kiện quan trọng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (FTA) có hiệu lực với 11.679 dòng thuế cho Việt Nam và 8.521 dòng thuế cho Hàn Quốc cam kết xóa bỏ. Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hàn Quốc và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã và đang mở ra cơ hội ngày càng lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp các nước.
Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA Hanoi) cho hay dự kiến kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc đạt 70 tỷ USD vào năm 2020.