Mô hình cửa hàng giặt sấy tự phục vụ đã có lịch sử hình thành lâu đời ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản... nhưng trong vài năm gần đây mới thực sự bùng nổ mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á.
Theo số liệu thống kê chưa chính thức từ một đơn vị phân phối thiết bị giặt sấy chuyên dụng, chỉ tính riêng thị trường Singapore hiện nay đã có khoảng 1.000 cửa hàng hoạt động theo mô hình này, trung bình giá tối thiểu của mỗi lần giặt là 5 USD.
Tại TP HCM, những chuỗi cửa hàng giặt sấy tự phục vụ bắt đầu xuất hiện vào khoảng giữa năm 2014. Đến nay, đây vẫn là mô hình kinh doanh mới mẻ nhưng phát triển rất sôi động và nhiều khả năng sẽ thay thế dần các tiệm giặt ủi truyền thống.
Khảo sát cho thấy, hầu hết các cửa hàng hoạt động theo mô hình này chủ yếu tập trung ở những địa điểm đông khách du lịch, gần bệnh viện và kí túc xá các trường đại học.
Các cửa hàng giặt sấy tự phục vụ ngày càng nở rộ ở TP HCM. Ảnh: Phương Đông. |
Hình thức này có thể hiểu đơn giản là khách được thuê máy giặt để toàn quyền sử dụng. Khách hàng tự thao tác, vận hành thiết bị giặt sấy riêng nên một trong những ưu điểm lớn nhất của dịch vụ này là tránh được tình trạng lẫn lộn quần áo và lây nhiễm các bệnh ngoài da. Ngoài ra, thời gian hao tốn cho mỗi lần giặt cũng được cải thiện đáng kể. Trước đây, khách hàng mang đồ đến tiệm giặt ủi thường mất từ 12 tiếng đến một ngày sau mới nhận lại, trong khi hiện nay chỉ mất khoảng 70 phút.
Anh Huy, quản lý một cửa hàng giặt sấy trên đường Bùi Viện (quận 1) cho biết, tuy hoạt động theo mô hình tự phục vụ nhưng trong thời gian đầu triển khai thì cửa hàng vẫn bố trí nhân viên hướng dẫn khách sử dụng.
“Cửa hàng mới hoạt động 3 tháng, nằm ngay khu vực tập trung đông khách du lịch nước ngoài nên tình hình kinh doanh rất khả quan dù phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều tiệm giặt ủi truyền thống. Ước tính trung bình mỗi tháng, một máy có thể cho lợi nhuận xấp xỉ 10 triệu đồng”, anh Huy nói.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng giặt sấy Laundpro thì một tính năng nổi bật khác của mô hình này là các cửa hàng đều có trang bị máy nạp tiền tự động và thiết lập hệ thống thanh toán thông minh giúp khách hàng sử dụng dịch vụ mà không cần đến hỗ trợ của nhân viên. Sau khi nạp tiền vào thẻ và trả phí cho mỗi lần giặt sấy từ 60.000 đến 80.000 đồng, số dư còn lại được tích lũy để thanh toán cho những lần kế tiếp.
Ông Sơn cho biết, dù cùng hệ thống nhưng hiện mức thu phí tại mỗi cửa hàng sẽ có sự chêch lệch phụ thuộc vào địa điểm. “Ở khu vực phố Tây, khách chủ yếu quan tâm đến chất lượng và thời gian nên chúng tôi phải đầu tư dòng máy cao cấp. Ngược lại, đối với những cửa hàng gần bệnh viện và kí túc xá thì giá rẻ là ưu tiên hàng đầu nên chúng tôi sẽ lắp đặt dòng máy phổ thông để đáp ứng nhu cầu này”, ông Sơn nói.
Đại diện một số chuỗi cửa hàng giặt sấy tự phục vụ nhận định, mô hình này hứa hẹn sẽ tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới vì có nhiều lợi thế để thu hút nhà đầu tư, như chi phí đầu vào tương đối thấp, khả năng thu hồi vốn nhanh và không đòi hỏi trình độ quản lý cao.
Chủ một cửa hàng ở quận Bình Thạnh cho biết, trung bình mỗi ngày cửa hàng này phục vụ khoảng 50 khách, cao điểm vào các ngày cuối tuần thì con số này có thể lên đến 100 khách. Vì vậy, chi phí khoảng 1,1 tỷ đồng đầu tư 5 máy giặt và 4 máy sấy là tương đối cao, nhưng dự tính sẽ thu hồi lại vốn trong một năm.
Theo tính toán của Công ty TNHH Wash&Go – doanh nghiệp hiện sở hữu chuỗi 4 cửa hàng giặt ủi ở các quận trung tâm TP HCM, đối với một cửa hàng đầu tư 5 bộ máy (ước tính gần 650 triệu đồng) khi hoạt động ổn định với lượng khách trung bình 40 lượt một ngày thì sau khi trừ tất cả chi phí điện nước, hóa chất giặt tẩy, phí thuê mặt bằng… vẫn có thể đạt lợi nhuận 50 triệu đồng mỗi tháng.
Bà Lại Trương Ái Vy, Quản lý dự án Wash&Go cho biết trong thời gian tới, công ty sẽ triển khai thử nghiệm các dịch vụ kèm theo trong lúc chờ đợi để thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng mới. Tiêu biểu trong số đó là quán cà phê wifi miễn phí, dịch vụ chăm sóc sắc đẹp hoặc khu vui chơi trẻ em…