Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Lai Vung (Đồng Tháp), Đặng Quý Ngọc phải bỏ dở việc học và tìm kế sinh nhai bằng đủ mọi nghề, từ công nhân may, công nhân sản xuất linh kiện máy photo, rồi nhân viên cho một công ty xuất nhập khẩu nước ngoài… Chính sự thăng trầm đó đã giúp Ngọc tích lũy nhiều kinh nghiệm và đây cũng là nền tảng để chàng trai 8x nảy sinh ra ý tưởng xây dựng dự án trồng và xuất khẩu mãng cầu xiêm.
Trong quá trình gắn bó với công việc xuất nhập khẩu, Ngọc nhận thấy Singapore là một thị trường xuất khẩu tiềm năng cho sản phẩm mãng cầu xiêm ở quê hương Lai Vung của anh. Do đó, khoảng cuối 2015, Ngọc quyết định về quê thực hiện dự án trồng và chế biến mãng cầu xiêm theo mô hình khép kín.
Mãng cầu xiêm là loại trái cây rất khó để xuất khẩu nhưng nhờ chọn hướng đi tốt Ngọc đã đem được sản phẩm sang thị trường Singapore. Ảnh: Mỹ Lý. |
Sau khoảng thời gian bố trí lại quy trình xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu, đến tháng 6/2016, Ngọc xuất được lô hàng mãng cầu xiêm đầu tiên sang thị trường Singapore thuận lợi với giá cao gấp 3 lần thị trường Việt Nam. Hiện nay trung bình một tháng anh xuất khoảng hơn một tấn mãng cầu tươi, dự kiến số lượng sẽ tăng lên 5-10 tấn một tháng.
Ngoài phát triển sản phẩm tươi, Ngọc còn nghiên cứu và chế biến mãng cầu xiêm thành thức uống dinh dưỡng. Bước đầu sản phẩm đã được bán xách tay sang thị trường này và sắp tới, theo yêu cầu của đối tác, công ty của Ngọc sẽ xuất theo đường chính ngạch qua cảng. "Chúng tôi sẽ trực tiếp làm thủ tục hải quan và làm các thủ tục cần thiết để xuất hàng cho đối tác theo tháng. Trung bình mỗi tháng sẽ có 10 tấn thành phẩm sang thị trường này", Ngọc nói.
Từ một người “tay ngang” chuyển sang lĩnh vực chế biến thực phẩm là điều không hề dễ dàng, khiến thời gian đầu Ngọc gặp rất nhiều khó khăn khi các mẫu sản xuất thử đều thất bại. Ngọc chia sẻ, từ việc xuất khẩu trái tươi sang đầu tư chế biến là một hành trình gian nan và đơn độc. Lúc đó, với Ngọc cái gì cũng thiếu thốn, từ kinh nghiệm cho đến công nghệ, máy móc, thiếu cộng sự và cả tài chính…
Nhiều lần thất bại có lúc đẩy Ngọc gần như đi vào bế tắc. 600 triệu đồng tích góp suốt nhiều năm đều tan biến. May mắn là sau quãng thời gian khó khăn đó, Ngọc nhận được sự góp ý chân tình từ các đối tác ở Singapore và gặp được những cộng sự có chuyên môn sâu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Sau khởi đầu khó khăn, sản phẩm tâm huyết “thức uống dinh dưỡng mãng câu xiêm của anh Ngọc chính thức có mặt trên thị trường vào đầu tháng 9/2016. Dù là sản phẩm mới toanh, song thức uống dinh dưỡng này đã chinh phục được nhiều khách hàng từ nội địa đến nước ngoài.
Chia sẻ về cách để vào được thị trường khó tính này, Ngọc cho biết, điều quan trọng nhất là sản phẩm phải sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Đối tác nước ngoài thường rất khắt khe, ngoài việc đạt các tiêu chuẩn của họ đưa ra, họ còn tới tận vườn để khảo sát mới đồng ý hợp tác. Do vậy, việc tạo mô hình khép kín là một lợi thế để có được sự tin tưởng của khách hàng. Ngoài ra, mãng cầu xiêm rất nhanh chín nên cần có cách bảo quản hợp lý mới đảm bảo được sản phẩm tươi ngon và chín đúng thời điểm.
Theo Ngọc, sắp tới cơ sở sản xuất Thuận Thiên Thành dự kiến sẽ triển khai dự án cùng hợp tác với nông dân huyện Lai Vung trong việc mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất mãng cầu xiêm. Theo đó, mãng cầu xiêm ở vùng nguyên liệu này sẽ được sản xuất theo quy trình an toàn, hướng tới sản xuất theo quy chuẩn GlobalGAP. Đây sẽ là vùng nguyên liệu chính để Ngọc đầu tư cơ sở sản xuất thức uống dinh dưỡng mãng cầu xiêm, cùng các sản phẩm sấy dẻo, mứt và trà mãng cầu xiêm.
Ngoài việc thành lập cơ sở sản xuất ngay tại Lai Vung, Ngọc còn thành lập công ty ở quận 7 (TP HCM) để đảm nhận khâu thủ tục, giấy tờ xuất khẩu mãng cầu xiêm. Song song với việc mang sản phẩm của quê nhà xuất ngoại, chàng trai quê Đồng Tháp cũng có ý tưởng kết hợp với các đơn vị có vùng nguyên liệu nông sản sạch để xuất khẩu sang Singapore và một số thị trường châu Á tiềm năng khác như: Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia…
Tự tạo cơ hội: Trồng ổi trái vụ thu 40 triệu/sào
(Tieudung24h.vn) -Ổi trái vụ dễ tiêu thụ được giá, đem lại thu nhập khá cho bà con ở xã Di Trạch, huyện Hoài Đức (Hà Nội). |