Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ông vừa ký ban hành Thông tư 36 về việc bỏ quy định dán nhãn năng lượng (Thông tư 07) gây nhiều tranh cãi vừa qua.
Thay vì bắt buộc phải dán nhãn năng lượng cho các thiết bị, sản phẩm thì tới đây doanh nghiệp sẽ tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn trên sản phẩm của mình. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.
Đồng thời, doanh nghiệp được phép sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).
Quy định mới của Bộ Công Thương cũng cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài; không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập.
Thông tư 36 cũng bổ sung quy định về dán nhãn năng lượng điện tử, theo đó, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp cho việc sử dụng nhãn năng lượng điện tử hoặc sử dụng nhãn năng lượng giấy thông thường.
Chương trình dán nhãn năng lượng dưới hình thức tự nguyện được Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương thực hiện từ năm 2006 đến năm 2011. Do là tự nguyện nên giai đoạn này có chưa đầy 10 doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Từ đầu năm 2012, chương trình áp dụng chế độ bắt buộc, số lượng doanh nghiệp đăng ký đã tăng lên nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có 665 mã sản phẩm được cấp giấy chứng nhận và dán nhãn trong năm 2012, đến năm 2014 số lượng mã sản phẩm tăng lên 2.655. Trong đó, 7 mặt hàng nhập khẩu được cấp chứng nhận và dán tem nhiều nhất là điều hòa không khí, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện và đèn chiếu sáng. Trong quá trình triển khai, nhiều doanh nghiệp "than" quy trình cấp chứng nhận và dán nhãn rườm rà, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian và làm phát sinh nhiều chi phí.
Trong một văn bản góp ý về sửa đổi Thông tư 07 mới đây, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nêu nhiều bất cập từ thực tế. Có doanh nghiệp phía Nam phải lặn lội ra tận Hà Nội để kiểm nghiệm cho sản phẩm dán nhãn, thời gian kéo dài đến 3 tháng mà không xong. Thời gian kéo dài đồng nghĩa chi phí doanh nghiệp phải chịu "đội" lên. Tổ chức này cũng đề xuất bỏ loạt quy định không còn phù hợp với thực tế đối với dãn nhãn năng lượng sản phẩm.
Cũng tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc Bộ Công Thương bỏ quy định kiểm tra hàm lượng fomaldehyte trong vải, khai báo hóa chất giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp.
"Bỏ một thủ tục hành chính giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp ví đây là món quà nhân Ngày doanh nhân 13/10 cho họ”, Phó thủ tướng nói và cho rằng, Bộ Công Thương tiếp tục bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng thì sẽ là món quà còn lớn hơn nhiều đối với doanh nghiệp.