Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Đỗ Hữu Hậu, Tổng giám đốc Công ty Osram Việt Nam (Đức) - chuyên nhập khẩu và bán các loại đèn LED tiết kiệm năng lượng, cho biết, yêu cầu tem năng lượng giống như “giấy phép con” làm khó chodoanh nghiệp nhập hàng về Việt Nam.
“Hàng hóa của hàng trăm doanh nghiệp như chúng tôi sẽ không được thông quan nếu hàng hóa đó không có tem năng lượng, mà muốn thông quan thì phải mất chi phí. Đây là sự thật”, ông Hậu bức xúc.
Nhiều doanh nghiệp rất khổ sở về yêu cầu dán nhãn năng lượng và đáp ứng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu |
Theo Thông tư 07/2012/TT-BCT của Bộ Công thương, để được chứng nhận dán nhãn năng lượng và đáp ứng MEPS, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện, thiết bị phải mang mẫu sản phẩm đến thử nghiệm tại một tổ chức thử nghiệm do Bộ Công Thương chỉ định. Nhưng hiện mới chỉ có 4 tổ chức thử nghiệm (2 ở miền Nam và 2 ở miền Bắc) được chỉ định, khiến cho việc thử nghiệm một sản phẩm có thể mất vài tuần, hoặc thậm chí hàng tháng tùy thuộc vào sản phẩm và khối lượng công việc tại các tổ chức thử nghiệm này.
Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), trong bối cảnh năng lực của hệ thống thử nghiệm rất hạn chế, yêu cầu phải thử nghiệm mẫu của từng lô hàng và phiếu kết quả thử nghiệm chỉ được phép sử dụng cho lô hàng đó đã khiến quy trình thông quan các loại hàng hóa phải áp dụng MEPS và dán nhãn năng lượng bị chậm trễ đáng kể.
“Hàng ngàn sản phẩm bị lưu kho nhiều tháng để chờ kết quả thử nghiệm, gây thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất và các nhà nhập khẩu”, AmCham Việt Nam than phiền trong một văn bản kiến nghị dỡ bỏ rào cản này, vừa gửi tới Chính phủ và Bộ Công thương.
Hiện nay, trước khi doanh nghiệp đưa sản phẩm tiêu thụ năng lượng nhập khẩu ra thị trường sẽ phải tiến hành các thủ tục thử nghiệm và yêu cầu dán nhãn năng lượng và đáp ứng MEPS. Các sản phẩm này bao gồm tủ lạnh, máy in, bóng đèn, nồi cơm điện, quạt, máy giặt…
Điều đáng nói ở đây, theo ông Hậu, hiện nay, quy trình cấp cấp tem năng lượng rất khó khăn. Theo quy định của Bộ Công thương, doanh nghiệp phải chi trả toàn bộ chi phí cho đoàn kiểm tra của bộ tại các nhà máy sản xuất ở nước ngoài.
“Tập đoàn Osram có 46 nhà máy đặt khắp nơi trên thế giới. Do vậy, đây là công việc rất tốn kém thời gian và tiền bạc”, ông Hậu cho biết và nói thêm, Bộ Công thương cấp tem năng lượng trên từng mã sản phẩm. Do vậy, mỗi lần có sản phẩm mới, chúng tôi lại phải thực hiện quy trình cấp tem năng lượng trên, cho dù sản phẩm của Osram có chất lượng hàng đầu thế giới, và đáp ứng tất cả tiêu chuẩn châu Âu và Hoa Kỳ.
Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc điều hành của một công ty tư vấn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam, cũng bức xúc với quy định vô lý này. “Chẳng hạn, các sản phẩm của Philips được sản xuất tại Thái Lan, thì các chuyên gia trong nước sẽ phải sang Thái Lan để kiểm nghiệm sản phẩm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nước ngoài thường không chấp nhận các khoản chi phí đó, vì đó là chi phí không chính thức”, bà Hà nói.
AmCham Việt Nam đề xuất rằng, một số sản phẩm của các hãng nổi tiếng trên thế giới, có công nghệ tiên tiến, nên được miễn yêu cầu thử nghiệm MEPS tại các tổ chức thử nghiệm được chỉ định trong nước. Hầu hết các hãng điện tử nổi tiếng toàn cầu như Apple, Dells, Canon, Sony, HP và Samsung đều áp dụng các tiêu chuẩn cao của quốc tế về hiệu quả năng lượng. Sản phẩm của các hãng này đã được thử nghiệm tại các tổ chức thử nghiệm được quốc tế công nhận trước khi được lưu hành trên thị trường.
“Do đó, việc yêu cầu các sản phẩm này phải thử nghiệm một lần nữa để dán nhãn năng lượng và đáp ứng MEPS là không thỏa đáng và không cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực của hệ thống thử nghiệm của Việt Nam rất hạn chế”, văn bản của AmCham Việt Nam nêu rõ.
Theo văn bản này, phiếu kết quả thử nghiệm đối với những trường hợp bắt buộc nên được chấp nhận cho tất cả các lô hàng của cùng một loại, dòng sản phẩm. Sản phẩm điện tử hiện nay được sản xuất theo quy trình được kiểm soát chặt chẽ và hầu như không có sự khác biệt về mức hiệu suất năng lượng giữa các sản phẩm của cùng một dòng sản phẩm. Do đó, yêu cầu thử nghiệm mẫu điển hình cho từng lô hàng của cùng loại và cùng dòng sản phẩm là không cần thiết, có thể gây ra những chậm trễ đáng kể cho quá trình thông quan hàng hoá cùng như những gánh nặng chi phí cho nhà nhập khẩu và sản xuất.
“Trên thực tế, quy định bất hợp lý này cũng chưa từng có tiền lệ ở bất kỳ quốc gia nào, khiến cho Việt Nam trở thành nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới yêu cầu thử nghiệm về hiệu suất năng lượng tối thiểu đối với từng lô hàng”, AmCham Việt Nam nhấn mạnh.