Hiện các bộ đã chuẩn bị 51 nghị định hướng dẫn thi hành chi tiết 2 luật, trong đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 49 nghị định. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết, việc thẩm định các Nghị định đã được thực hiện rải rác, tập trung trong thời gian cuối tháng 4 và tháng 5/2016 và do 03 đơn vị xây dựng pháp luật thực hiện; tiến độ thẩm định được thực hiện trong 7 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đối với từng dự thảo.
Bộ Tư pháp khẳng định, trong quá trình thẩm định từng dự thảo nghị định, Bộ Tư pháp luôn đặt vấn đề về sự cần thiết của các quy định của điều kiện đầu tư kinh doanh theo đúng quy định của Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014.
Hội đồng tư vấn thẩm định cũng như trong công văn thẩm định luôn quan tâm đến việc kiểm soát thủ tục hành chính - một vấn đề thường đi liền với điều kiện đầu tư kinh doanh. Theo thống kê, qua thẩm định các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, trong đó quy định trung bình hơn 10 thủ tục hành chính/dự thảo nghị định, nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tiến hành đánh giá tác động của các thủ tục hành chính (TTHC) hoặc đánh giá chưa theo đúng yêu cầu. Một số quy định TTHC còn chưa phù hợp, tạo gánh nặng TTHC cho doanh nghiệp. Các nội dung này đã được Bộ Tư pháp có ý kiến chi tiết trong từng báo cáo thẩm định.
Sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, một số cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp tích cực với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ liên quan để hoàn thiện dự thảo nghị định cũng như các hồ sơ, tài liệu kèm theo, qua đó nâng cao chất lượng dự thảo Nghị định theo đúng quy định của Luật Đầu tư năm 2014.
Với tinh thần này, dự kiến có trên 3.000 ĐKKD tại các thông tư sẽ hết hiệu lực, chưa kể một số nghị định không cần thiết cũng được đề nghị bãi bỏ.
Và theo như chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp ngày 23-6, “văn bản nào có sai sót phải sửa đổi, bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”.
Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc xây dựng văn bản phải trên tinh thần “tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới...”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại - công nghiệp VN (VCCI), cho biết trong báo cáo rà soát dày 225 trang về hàng chục dự thảo “siêu nghị định”, cơ quan này đã đưa ra hơn 310 kiến nghị, trong đó có kiến nghị bãi bỏ 75 quy định về ĐKKD do các bộ đề xuất, thậm chí bỏ cả toàn bộ một nghị định.
Chẳng hạn, nghị định quy định ĐKKD môi giới bất động sản hay dự thảo nghị định về ĐKKD mũ bảo hiểm... đã được đề nghị cần bãi bỏ bởi không cần thiết.
Tương tự, thông tư 20/2011 của Bộ Công thương cũng không hợp lý và không nên đưa vào trong nghị định về ĐKKD, bởi thông tư này yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bổ sung một loại giấy tờ không cần thiết.
Theo ông Tuấn, thông tư này đưa ra nhiều yêu cầu rất khó như muốn nhập khẩu ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống phải có thêm giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất kinh doanh...
Chưa hết, thông tư còn yêu cầu doanh nghiệp phải nộp giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ GTVT cấp...
Dù Bộ Công thương khẳng định đây chỉ là thủ tục hành chính, nhưng ông Đậu Anh Tuấn cho rằng bản chất quy định trên là ĐKKD bởi nó có thể loại doanh nghiệp này, cho doanh nghiệp kia làm.
“Tại nhiều cuộc họp do VCCI tổ chức, nhiều doanh nghiệp đã phê phán rằng những quy định này khiến hàng loạt doanh nghiệp không kinh doanh nổi, phải đóng cửa” - ông Tuấn cho biết, đồng thời thông tin thêm đã có những tín hiệu “rất đáng khích lệ” khi phần lớn kiến nghị của VCCI đều được các bộ ngành đồng ý, chấp thuận.
Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cũng cho rằng các ĐKKD chính là việc áp đặt thêm điều kiện để hạn chế kinh doanh, trong khi không loại trừ khả năng khi soạn thảo nghị định về các ĐKKD, một số bộ ngành đã... copy các ĐKKD từ các thông tư cũ rồi đưa thẳng lên nghị định.
“Một ĐKKD cần đáp ứng 4 tiêu chí: tính cần thiết, rõ ràng, hợp lý và không chồng chéo với quy định của bộ ngành khác. Trong khi đó một số bộ ngành chỉ cần thấy “thích” là ban hành ĐKKD, không hề có cơ sở khoa học” - bà Thảo nói.
Cũng theo bà Thảo, các ĐKKD chỉ nêu chung chung phải đáp ứng “theo quy định của pháp luật” cũng không nên được ban hành, trừ khi nêu rõ theo quy định nào để tránh cách hiểu khác nhau.
Tương tự, các quy định “phải được sự chấp thuận của cơ quan chức năng”... cũng không đáp ứng yêu cầu, mà phải quy định rõ các tiêu chí nào để được chấp thuận...
Đặc biệt, các ĐKKD quy định muốn được kinh doanh phải đáp ứng về số năm kinh nghiệm, sở hữu diện tích kho rộng bao nhiêu... là không hợp lý.
“Tóm lại, tôi cho rằng các ĐKKD không đáp ứng đủ 4 tiêu chí trên thì không nên được đưa vào các nghị định sắp ban hành” - bà Thảo nói.