Sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu “sách nhiễu” DNNVV
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) vừa công bố dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV. Dự thảo của Bộ KH&ĐT chỉ rõ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ở chiều ngược lại, Dự thảo của Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ, tổ chức, cá nhân có thành tích trong hỗ trợ DNNVV sẽ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp, doanh nhân có thành tích đóng góp vào sự phát triển kinh tế , xã hội, sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới khoa học công nghệ được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật...
Theo quy định, Dự thảo luật này sẽ được lấy ý kiến hoàn thiện để trình ra kỳ họp Quốc hội dự kiến vào tháng 7/2016; Ban soạn thảo cho hay, nếu được thông qua, ước tính sẽ có khoảng 550.000 bộ phận doanh nghiệp nói trên được hưởng lợi.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN thuộc Bộ KH&ĐT, đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo Luật này cho hay: dự thảo đưa ra các chính sách cụ thể để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển DNNVV bởi khu vực này đang có sức ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế song đang gặp nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, khó khăn trong các hoạt động liên quan đến cơ chế, chính sách.
Bên cạnh các phương án trên, Bộ KH&ĐT dự kiến sẽ xây dựng phương án hỗ trợ 5% thuế suất thuế thu nhập DN so với mức thuế suất phổ thông trong thời hạn tối đa 5 năm kể từ ngày DN có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài các quy định trên, Bộ dự kiến sẽ hỗ trợ 70% chi phí mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho các DNNVV.
Dự luật mới sẽ hỗ trợ tối đa cho DNNVV. |
Đánh giá bước đầu về mục tiêu, mục đích của dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, nhiều chuyên gia kinh tế đồng ý về một số nội dung, yêu cầu cũng như cơ chế ràng buộc với các Cơ quan quản lý Nhà nước ở trung ương và địa phương. Đồng thời khẳng định, đây sẽ là quy định bảo vệ các DN làm ăn chân chính bởi trong thời gian vừa qua đã có nhiều hành vi, chính sách của cơ quan quản lý đưa ra đã gây thiệt hại cho DN nhưng vẫn không bị xử lý, bồi thường.
Hiện theo thống kê, các DNNVV chiếm khoảng 97% số DN tại Việt Nam, đóng góp khoảng 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách mỗi năm. Đồng thời, khu vực này cũng đóng góp gần 50% vào tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia hằng năm và đang tạo ra 51% tổng việc làm của nước ta.
Tiêu chí xác định DNNVV thụ hưởng chính sách trong dự thảo là DN có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề không vượt quá 100 tỉ đồng hoặc lao động bình quân năm của năm trước liền kề không quá 300 người.
Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp
Tại dự thảo Luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho DNNVV. Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân, DNNVV khởi nghiệp được hỗ trợ đào tạo miễn phí về khởi sự kinh doanh trong vòng 1 năm kể từ ngày có phương án sản xuất kinh doanh hoặc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; hỗ trợ khai thác thông tin và đăng tải thông tin giới thiệu, quảng bá doanh nghiệp miễn phí trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; được miễn lệ phí môn bài trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Bên cạnh đó, DNNVV khởi nghiệp không bị thanh tra, kiểm tra trong vòng 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu, trừ khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Ngoài những hỗ trợ trên, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do cơ quan chủ trì chương trình lựa chọn được hỗ trợ tư vấn, lập hồ sơ đăng ký sở hữu công nghiệp; hỗ trợ 50 triệu đồng khi đăng ký thành công một bằng sáng chế trong nước hoặc quốc tế; ưu tiên phân luồng xanh khi làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đào tạo khi chủ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia một khóa đào tạo khởi nghiệp chuyên sâu do cơ quan chủ trì chương trình lựa chọn (Mỗi doanh nghiệp chỉ nhận được hỗ trợ này một lần); hỗ trợ một phần kinh phí quầy trưng bày sản phẩm khi tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế cho khởi nghiệp; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân là nhân lực công nghệ cao làm việc trong các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước ngoài; ưu tiên vay vốn từ Quỹ Phát triển DNNVV.
Theo dự thảo, các khoản đầu tư góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư được tính vào chi phí giảm trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân khi đầu tư tăng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại doanh nghiệp không quá 30%. Các khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của các nhà đầu tư được miễn thuế trong trường hợp: Đầu tư tại thời điểm doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo chưa có lợi nhuận tính thuế; thời gian đầu tư trên 2 năm; chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ ngày doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
Cần hành động thực tế chứ đừng chỉ tồn tại trên giấy tờ
Mặc dù dự luật đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ DNNVV nhưng nhiều ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng nhất là làm sao để những chính sách này đi vào cuộc sống, tức không rơi vào tình trạng kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV đánh giá dự luật nhằm tạo ra một khung pháp lý riêng cho cộng đồng DNNVV, đã cơ bản đáp ứng được những kỳ vọng của lực lượng DN này. Trong đó cơ quan soạn thảo là Bộ KH&ĐT đã tiếp thu khá đầy đủ những ý kiến đóng góp của hiệp hội và DN.
Ông Nam cũng hoan nghênh các chính sách hỗ trợ nhất là về thuế được nêu trong dự thảo. “Các hỗ trợ này không vi phạm các cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ, các nước khác cũng có chính sách hỗ trợ cho DNNVV” - ông Nam nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Nam, để luật có tính khả thi trong thực tế, cơ quan soạn thảo cần lượng hóa các nội dung hỗ trợ cho DN. Chẳng hạn như hỗ trợ thông qua quỹ phát triển DN sẽ ra sao, hỗ trợ mặt bằng kinh doanh thế nào cần được chỉ rõ, không nên nói chung chung.
Nói về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cũng nhìn nhận lâu nay các chính sách hỗ trợ DNNVV nằm rải rác ở nhiều văn bản, nhiều cơ quan quản lý và chưa nêu cụ thể. Hệ quả là nhiều DN lớn tiếp cận các ưu đãi tốt hơn. Do vậy, luật này sẽ nhất thể hóa, đảm bảo tính liên tục, đồng bộ các chính sách dành riêng cho các DNNVV.
Ông Đông cũng khẳng định: “Cơ chế ưu đãi, hỗ trợ chỉ dành cho những đối tượng DN nào hoạt động có hiệu quả, có tiềm năng phát triển, có trí tuệ và ý tưởng đổi mới sáng tạo. Các cơ chế ưu đãi sẽ đảm bảo công khai, minh bạch”.