Theo số liệu từ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) về việc thực thi pháp luật phòng vệ thương mại (PVTM) của Việt Nam, tính tới nay mới chỉ có 6 vụ điều tra dạng này và đều được khởi xướng bởi những doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong nước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại đã có tới 100 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối được tiến hành với hàng hoá Việt Nam ở nước ngoài.
Đáng lưu ý hơn, mặc dù những văn bản quy phạm pháp luật về các biện pháp PVTM quốc tế đã có từ năm 2002 nhưng phải đến 2009 mới có vụ kiện đầu tiên. Không chỉ vậy, trong 6 vụ việc được phía Việt Nam khởi xướng thì có tới 4 vụ là kiện tự vệ. Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), các con số này là khá đáng lo ngại.
Sắt, thép đang là ngành mà Việt Nam phải đối diện với nhiều vụ kiện PVTM nhất |
Bà Trang cho rằng, việc kiện tự vệ có thể loại bỏ trước mắt những thiệt hại do sự gia tăng của hàng hóa nhập khẩu nhưng về lâu dài quốc gia áp dụng biện pháp này sẽ phải đối mặt với yêu cầu đền bù từ quốc gia bị áp dụng, do vậy cần hết sức cẩn thận khi sử dụng phương thức kiện như vậy.
Còn đối với hai phương thức kiện mang lại nhiều lợi ích và an toàn hơn là chống bán phá giá và chống trợ cấp lại hầu như chưa được DN trong nước áp dụng. Trong khi đó các nước phát triển thường sử dụng những cách này nhằm bảo vệ DN nước mình trước sự xâm lấn của hàng Việt.
Trong số các DN Việt đóng vai trò nguyên đơn, hầu hết đều là các đơn vị đang chiếm vị trí độc quyền hoặc thống trị thị trường trong nước, bà Trang cho biết thêm. Có thể kể đến như vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với dầu thực vật hồi năm 2012 của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam khi đó đang chiếm 100% thị phần. Hay như vụ điều tra với sản phẩm kính nổi của Viglacera hồi 2009, ở thời điểm đó DN này đang có tới 90,11% thị phần.
Các công cụ PVTM là rất cần thiết đối với DN trong nước, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng nhưng phải chăng ở Việt Nam những biện pháp này chỉ dành cho "nhà giàu"?, vị giám đốc của VCCI đặt câu hỏi.
Được biết, những vụ kiện PVTM thường kéo từ 12 - 18 tháng, để theo đuổi quá trình này DN sẽ phải tốn rất nhiều công sức và tiền bạc, cộng thêm vào đó là rào cản ngôn ngữ cũng khiến nhiều DN đuối quá mà bỏ cuộc. Có cả DN sẵn sàng chấp nhận thiệt hại mà bỏ cuộc giữa chừng, bà Trang chia sẻ.
Dù tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc nhưng các DN nên theo đuổi vụ việc tới cùng, bởi trong các vụ kiện phòng vệ thương mại chính DN mới có thể bảo vệ mình một cách tốt nhất chứ không phải lệ thuộc vào Chính phủ hay bên nào khác, bà Trang đưa ra lời khuyên.
Cùng quan điểm với bà Trang, ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng, hiện các DN Việt Nam đang quá thờ ở với các biện pháp PVTM trong cả nhận thức lẫn hành động. Nếu không hiểu và tận dụng được những công cụ này, ngành sản xuất trong nước sẽ dễ bị tiêu diệt và dẫn tới phá sản khi hàng hóa nước ngoài luôn sẵn sàng bán phá giá để chiếm lĩnh thị trường.
Chính vì vậy, để tự bảo vệ mình, DN phải có sự chủ động, đặc biệt khi trên thế giới nhiều tập đoàn lớn đã coi việc yêu cầu Chính phủ áp dụng các biện pháp PVTM là một trong những chiến lược kinh doanh đắc lực. Để có thể tận dụng được các công cụ này DN Việt cần tập hợp lại với nhau và thông qua các Hiệp hội nhằm triển khai hiệu quả về mặt cơ sở pháp lý cũng như tài chính để theo đuổi tới cùng, ông Nam đưa ra lời khuyên.
Nói về tầm quan trọng của sự "đồng tâm hiệp lực" trong PVTM đối với các DN Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho rằng, nếu không chịu ngồi lại với nhau muốn khởi kiện được cũng rất khó khăn. Bởi theo quy định, để đứng đơn khởi kiện, bên đi kiện phải đáp ứng ít nhất 2 điều kiện: DN đại diện phải sản xuất ra ít nhất 25% tổng lượng sản phẩm liên quan và nhận được sự ủng hộ của các DN sản xuất ra ít nhất 50% tổng lượng sản phẩm liên quan trên thị trường.
Nói cách khác, kiện PVTM không phải là "cuộc chơi" của từng DN riêng lẻ, mà nó là "cuộc chơi" của cả một tập thể, là chiến lược của cả một ngành sản xuất nội địa, ông Thắng khẳng định.