Từ câu chuyện "bó đũa"
Theo các chuyên gia, muốn liên kết vùng đi vào thực chất cần phát huy tối đa các nguồn lực cho doanh nghiệp và các bên liên quan thực thi hiệu quả các chương trình hành động, phải bứt phá khỏi cách làm cũ...
Dù đầu tư công nghệ doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm hướng xuất khẩu. Ảnh: Khắc Kiên
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, bài học vỡ lòng đầu tiên của chúng ta từ nhỏ khi đi học đã được tiếp cận đó là đúc rút của câu chuyện bó đũa. Nếu chia lẻ thì yếu, hợp lại sẽ mạnh. "Quá trình thực tiễn triển khai các công tác xúc tiến thương mại có thể thấy rất rõ, những hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất đơn thương không thể hiệu quả bằng những hoạt động xúc tiến thương mại có sự hợp lực và quy mô" - vị này nói.
Vì vậy, trong xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế thế giới hiện nay, các hoạt động xúc tiến thương mại mang tính chất quy mô cũng không nằm ngoài xu thế này.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Hương Vân Trà Nguyễn Thị Hương Vân cho hay, nếu không liên kết, không dùng đúng phương thức "bó đũa" sẽ không bao giờ đi xa được. Vì thế, tất cả luôn muốn tiếp cận được nguồn vốn với những ưu đãi tốt nhất để thực hiện. Một sân chơi thương mại rất cần cơ sở vật chất tốt bởi khi tập hợp được tất cả những sản phẩm (của Thái Nguyên chẳng hạn) thì rất cần những trung tâm thương mại quy mô lớn để đưa các sản phẩm của tỉnh Thái Nguyên, cũng như các tỉnh khác liên kết với nhau.
Sản phẩm quế hồi được sơ chế và đưa vào dây chuyền công nghệ để xuất khẩu tại nhà máy của Tuấn Minh. Ảnh: Khắc Kiên
Đến đó, hoàn toàn có thể lựa chọn được những sản phẩm của các vùng miền, của các tỉnh mà lại yên tâm tuyệt đối. Bởi trong trung tâm thương mại với những sản phẩm chất lượng cao hiện diện, tạo tiện ích đi đâu cũng mua được sản phẩm của các tỉnh, vùng miền. Đó là một điều thuận lợi nhất, đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách hàng.
Đến hiệu quả của chuỗi sản xuất, liên kết vùng
Từ thực tế quản lý tại địa phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn Đinh Lâm Sáng cho hay, nếu muốn thu hút các nhà mua hàng nước ngoài đến với Việt Nam cần phải có cơ sở hạ tầng, mặt bằng đủ lớn để quy tụ các doanh nghiệp cung ứng cho nhu cầu. Cùng với đó, vấn đề cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phục vụ cho việc giao thương và giới thiệu hàng hóa cũng như xúc tiến thương mại... "Đấy là tôi mới nói sự liên kết vùng ở trong nước. Còn nếu tham gia Hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm thì chi phí gian hàng rất cao, khó doanh nghiệp nào chịu nổi nếu tự bỏ tiền ra. Chỉ có một số “ông lớn” mới có thể bỏ tiền để đi được, còn những doanh nghiệp nhỏ việc bỏ ra vài trăm triệu để thuê gian hàng ở nước ngoài giới thiệu, tìm kiếm hợp tác đầu từ là một bài toán phải tính toán rất kỹ và phải lựa chọn rất căng thẳng"- ông Lâm gợi ý.
Vì vậy, ngoài tự thân, nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước cho những doanh nghiệp có nội lực để phát triển những sản phẩm tốt để có điều kiện đi tiếp cận những thị trường lớn, tiếp cận những khách hàng ở thị trường xa thì cần những sự hỗ trợ thêm vào nữa của các cơ quan Trung ương, các cơ quan địa phương.
Từ các ý kiến, bà Thu Thủy gợi mở, theo kế hoạch trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các hội nghị về xúc tiến thương mại trong nước, phát triển xuất nhập khẩu theo quy mô của từng vùng kinh tế để tiếp tục tìm ra những điểm nhấn cần thiết phải đi sâu hơn cho các hoạt động xúc tiến thương mại. Từ đó, tiếp tục tìm ra những lĩnh vực cần thiết, cấp thiết cho xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ xúc tiến thương mại mang tính chất liên kết vùng mới, đó là mô hình tổ chức các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng (Winning with Việt Nam)...