Cơ chế tạm nhập – tái xuất
Chúng ta luôn tưởng rằng chân gà, lòng lợn, phụ phẩm là được "tuồn" từ Trung Quốc sang nhưng sự thật lại nằm ở chính các công ty hoạt động tạm nhập- tái xuất Việt Nam - TS. Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết.
TS. Trần Duy Khanh (Hình minh họa). |
Hiện nay, các mặt hàng đông lạnh tạm nhập - tái xuất chủ yếu là hàng “dọn kho”, chỉ vài nghìn đồng/kg, các nước chỉ làm thức ăn cho gia súc, thậm chí quá hạn còn không dám cho gia súc ăn, Việt Nam sang nhập về thì…vô tư.
"Hàng thực phẩm loại này, Trung Quốc cũng hiếm. Họ cũng đi săn lùng và mua lại từ Việt Nam. Khoảng thời gian tháng 9- 10 hàng năm, gà, lợn Việt Nam đều theo chân nhau xuất ngoại sang Trung Quốc. Những số gà, lợn này phụ phẩm sẽ được tiêu thụ ngay, tiêu thụ hết chứ không thiếu lượng cầu để tồn tích lại" – Ông Khanh cho biết thêm.
Các hàng phế thải tồn tích từ khoảng 22-40 năm trước từ các nước châu Mỹ như Canada, Mỹ, Brazil, Argentina... những nước vốn không tiêu thụ loại thực phẩm này lại được các doanh nghiệp Việt tạm nhập- tái xuất.
Chắc chắn Trung Quốc cũng không có những sản phẩm giá rẻ như vậy, toàn là hàng đông lạnh để nhiều năm, thậm chí trên 20 năm của các nước Châu Âu, Châu Mỹ… Năm 2015, hàng tạm - nhập tái xuất mang lên cửa khẩu nhưng Trung Quốc cấm biên, không xuất đi được nên mới quay ngược lại bán cho thị trường trong nước.
Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2015, nhập khẩu chính ngạch là hơn 124.000 tấn gà đông lạnh nhưng đó vẫn chỉ là con số rất nhỏ so với hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất.
Mỗi năm Việt Nam tạm nhập tái xuất khoảng 3 triệu tấn thực phẩm đông lạnh, trong đó chủ yếu là đùi gà, cánh gà, mề gà và một phần nội tạng lợn như lòng, tim, gan…Nguyên nhân chính là do hàng tạm nhập nhưng lại không xuất đi được, quay trở lại thị trường “trà trộn” với hàng nhập chính ngạch để bán cho người dân với giá siêu rẻ.
Đối với kiểm tra thì Cục Thú y chỉ lấy mẫu với tỉ lệ theo quy định các mặt hàng nhập khẩu chính ngạch. Riêng mặt hàng tạm nhập - tái xuất thì cơ quan thú y chỉ kiểm tra giấy phép tạm nhập - tái xuất chứ không liên quan tới kiểm tra chất lượng.
Hiện Việt Nam không có hàng rào kỹ thuật, thịt đông lạnh để bao nhiêu tháng cũng vẫn được, trong khi nhiều sản phẩm nhập về chẳng biết có còn chất dinh dưỡng hay không. TS. Trần Duy Khanh đã kiến nghị, cần xây dựng “hàng rào” gà nguyên con nhập về để tối đa là 6 tháng còn chân gà, đùi gà là 4 tháng, không bán hết thì buộc phải tiêu hủy.
Chính việc “mập mờ” về mặt hàng tạm nhập tái xuất đã ảnh hưởng rất lớn tới chăn nuôi trong nước. Hiện tại, gần như gà lông trắng trong nước đã phải ngừng sản xuất do không cạnh tranh được với giá gà nhập khẩu từ các nước về quá rẻ mà ở đây là nhập kiểu tạm nhập - tái xuất. Cách đây không lâu, truyền thông còn phát hiện, tim lợn ở chợ Phùng Khoang (Hà Nội) chỉ có 10.000 đồng/kg và có thời gian hơn 20 năm, chắc chắn là hàng tạm nhập - tái xuất bởi hàng của Trung Quốc cũng có giá cao hơn nhiều.
Luật tạo “lỗ hổng” cho doanh nghiệp?
"Chúng ta cứ thắc mắc hàng trong nội địa rất nhiều, thực phẩm bẩn cũng rất nhiều, đều do hàng tồn tích từ nước ngoài để lâu cả hàng chục năm và bán lại. Thực tế từ trong cuộc sống đều thấy, những phụ phẩm từ lợn, gà đều được tiêu thụ ngay tại chỗ".
Một vấn đề rất lớn đó là sản phẩm, chất lượng của những thực phẩm đông lạnh này tới đâu thì không ai kiểm soát. Thậm chí, đã từng có thời điểm, hàng tạm nhập còn không biết khi nào thì tái xuất.
Những thực phẩm vỉa hè có thể có "date" từ hơn 20 năm trước... |
Hàng được dán tem, dán mã khác, thay đổi ngày sản xuất, ngày sử dụng và tiếp tục được đưa đi tiêu thụ. Có những lô hàng hàng chục tấn không kịp thay tem mác đã bị lực lượng chức năng bắt giữ ghi nhận có "date" đã 22 năm.
Tại sao những loại thực phẩm như vậy lại có thể ngang nhiên nằm trên kệ các quán ăn để tiêu thụ và đầu độc người dân Việt.
Theo TS. Trần Duy Khanh, doanh nghiệp được phép tạm nhập hàng đông lạnh chỉ có những điều kiện quá đỗi đơn giản: được thành lập ít nhất 2 năm, đã từng hoạt động tạm nhập- tái xuất; ký quỹ 10 tỷ đồng; có kho bãi phục vụ hàng đông lạnh.
Những điều kiện này, theo ông Khanh, doanh nghiệp hoàn toàn có thể "lách luật" hoặc trao đổi ngầm với nhau để qua mặt các cơ quan chức năng.
Ông Khanh nói: "Khi tôi được phía Bộ Công thương trả lời, chỉ cần có 10 tỷ ký quỹ thì cho phép tạm nhập - tái xuất, tôi chất vấn ngay hai đồng chí Cục phó Cục Hải quan, họ trả lời, họ cũng dựa vào các giấy phép để cho phép tạm nhập. Vậy tôi hỏi khi nào thì họ tái xuất, câu trả lời là "Không biết". Cơ chế này là thế nào đây”?
Ông Khanh đề nghị phải công khai minh bạch các doanh nghiệp tạm nhập - tái xuất và số lượng hàng hóa tạm nhập - tái xuất theo tháng để các doanh nghiệp, hiệp hội, người dân giám sát.
Cần thanh kiểm tra các đơn vị tạm nhập, trong 30 ngày thì phải xuất hết và kiểm tra nơi xuất của những lô hàng này. Yêu cầu khai báo với các cơ quan hải quan.
Đồng thời, theo ông Khanh, phải rà soát lại các cơ chế chính sách về tạm nhập- tái xuất và tăng cường kiểm tra. Nếu không thực hiện thì có các chế tài kiểm tra và xử phạt.
Doanh nghiệp hoặc “trục lợi” hoặc chối bỏ trách nhiệm
Được biết, hoạt động tạm nhập - tái xuất hàng đông lạnh như chân gà, cánh gà, sản phẩm động vật khá nhộn nhịp. Theo chu trình, hàng hóa được nhập khẩu về cảng Hải Phòng, sau đó vận chuyển đi Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng để tái xuất sang Trung Quốc.
Việc kinh doanh tạm nhập – tái xuất như hiện nay không được thực hiện đúng bản chất của tạm nhập – tái xuất (hàng hóa phải giữ nguyên trạng) do doanh nghiệp được chia nhỏ lô hàng để dễ vận chuyển khi tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa làm cho công tác giám sát, quản lý của cơ quan hải quan gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thời gian hàng kinh doanh tạm nhập – tái xuất được phép lưu tại Việt Nam quá dài đang là một lỗ hổng lớn để các doanh nghiệp lợi dụng trục lợi.
Thông tư 165/2010 của Bộ Tài chính cho phép hàng tạm nhập – tái xuất được lưu ở Việt Nam 120 ngày. Trong trường hợp muốn kéo dài thời hạn lưu tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể làm văn bản gửi hải quan nơi làm thủ tục, thời hạn có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Như vậy, thời gian lưu tạm của hàng tạm nhập – tái xuất tại Việt Nam tối đa lên tới 180 ngày. Trong 3 tháng này, hàng hóa như thế nào, tiêu thụ ra sao thì hải quan rất khó kiểm soát.
Quá trình vận chuyển tái xuất không đơn vị nào chịu trách nhiệm giám sát, doanh nghiệp hoàn toàn có thể đưa hàng vào nội địa tiêu thụ. Ngoài ra, nhiều cơ quan chức năng cũng đã đặt vấn đề: “Phải chăng chân gà đông lạnh sau khi tái xuất sang Trung Quốc đã được gia công, tẩm ướp rồi xuất ngược về Việt Nam”?
Chính vì vậy, đã có trường hợp các doanh nghiệp lợi dụng thời gian này nhập khẩu một lượng hàng lớn sau đó bán tiêu thụ nội địa rồi bỏ trốn hoặc tự giải thể doanh nghiệp. Cũng có trường hợp sau khi tiêu thụ nội địa, họ khai bổ sung chuyển loại hình nhập khẩu để kéo dài thời gian nộp thuế hoặc trốn thuế.
Một tồn tại nữa là các văn bản quy phạm pháp luật không hạn chế hay cấm kinh doanh tạm nhập – tái xuất những mặt hàng cấm nhập khẩu, mặt hàng nhạy cảm có thể ảnh hưởng đến môi trường, an toàn thực phẩm và dịch bệnh. Do vậy các mặt hàng có nguy cơ này hoàn toàn có thể thẩm lậu vào sâu nội địa Việt Nam thông qua vận chuyển.
Loại hình kinh doanh tạm nhập – tái xuất sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội nếu không kịp thời đưa ra những biện pháp giải quyết triệt để.