Theo một ngư dân ở phường Nhà Mát (TP Bạc Liêu), trung bình mỗi ngày, ngư dân khai thác được từ 3-4 tấn ruốc tươi. Cũng có bữa ghe chỉ khai thác về từ 1 - 2 tấn ruốc. Tuy vậy, lượng ruốc luôn có sẵn để cung cấp cho các thị trường tiêu thụ.
Với giá khoảng từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg, mỗi chuyến như vậy ngư dân thu lãi bình quân từ 5 - 6 triệu đồng.
Ruốc biển được mùa nhưng vẫn đi kèm nỗi lo giá cả. |
Nhưng nỗi lo lớn nhất của người dân Bạc Liêu hiện nay đó chính là ruốc trúng mùa là giá ruốc lại giảm khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.
Có nhiều lý do được đưa ra, thứ nhất con ruốc của Bạc Liêu thường chỉ có thể xuất thô là chính, dẫn đến khó chủ động về thị trường tiêu thụ và lại bị các thương lái ép giá. Việc thu mua ruốc tươi cũng hạn chế bởi có rất ít doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thu mua, còn lại hầu hết các doanh nghiệp ngoài tỉnh chỉ mua ruốc khô.
Bên cạnh đó, việc phơi khô con ruốc vẫn dựa vào “ông trời” nên ngư dân cũng khó chủ động. Tỉnh Bạc Liêu vẫn chưa có lò sấy khô nên phần lớn con ruốc sau khi khai thác được ngư dân phơi ngay trên đường lộ, dẫn đến chất lượng cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Hiện nay tỉnh Bạc Liêu chưa có đơn vị nào đứng ra giúp ngư dân nâng cao giá trị con ruốc. Trong khi đó, các tỉnh, thành khác lại mạnh dạn "nhập" con ruốc của Bạc Liêu để chế biến thành nhiều loại thức ăn như: ruốc sấy, ruốc tẩm gia vị để phục vụ các bữa cơm trong gia đình. Chỉ cần đóng gói hay cho vào hộp là giá trị con ruốc tăng lên gấp nhiều lần so với ruốc khô thông thường của Bạc Liêu.
Theo ngư dân, con ruốc Bạc Liêu hiện nay vẫn chưa được khai thác hết giá trị của nó. Những sản phẩm chế biến từ con ruốc như thế đều có mặt trên thị trường, trong khi Bạc Liêu được xem là “mỏ ruốc” mà lại chưa làm được thì quả thật đáng tiếc.