Khoai tây có đặc tính chống oxi hóa và có thể giúp đẩy mạnh quá trình tiêu hóa, tăng cường sức khỏe tim mạch, làm giảm huyết áp, thậm chí ngăn ngừa nguy cơ ung thư. Đáng ngạc nhiên, chúng chứa rất ít calo, với một củ khoai tây cỡ trung bình chứa chỉ 110 calo. Khoai tây chứa nhiều cacbonhydrat tinh bột và ít chất đạm, nhưng đồng thời chúng cũng không chứa chất béo, tất nhiên đó là trước khi chúng được trộn cùng với bơ hay phô mai.
Giàu kali
Một củ khoai tây cung cấp 620 mg kali, vì thế nó là nguồn cung cấp vi chất quan trọng nhưng thường bị thiếu này. Kali đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát huyết áp nhờ làm giảm ảnh hưởng xấu của natri. Kali cũng góp phần vận chuyển các xung động thần kinh. Trung bình một người thưởng thành cần khoảng 4.700 mg kali mỗi ngày. Vì thế, hãy thêm khoai tây vào chế độ ăn đều đặn sẽ giúp bạn cung cấp đủ vi chất quan trọng này.
Khoai tây cung cấp một nửa lượng vitamin C bạn cần một ngày
Nhắc đến vitamin C, nhiều người nghĩ ngay đến chanh, cam hoặc các loại có múi như bưởi, quýt. Tuy nhiên khoai tây cũng là nguồn tuyệt vời cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết này. Thực tế, một củ khoai tây loại vừa đáp ứng khoảng 45% nhu cầu vitamin C bạn cần mỗi ngày, nhiều hơn cả một quả cà chua.
Các nhà nghiên cứu cho rằng loại vitamin này có thể giúp hạn chế các tổn thương tế bào trong cơ thể, giúp xây dựng collagen nên rất tốt cho da.
Chống viêm
Những người bị viêm khớp có thể được lơi rất nhiều nhờ ăn khoai tây hoặc uống nước khoai tây luộc. Hàm lượng vitamin C trong khoai tây hoạt động như một chất chống oxi hóa làm giảm viêm. Kali và vitamin B6 giúp chống viêm trong hệ thống tiêu hóa và miệng. Canxi và magie cũng rất hữu dụng trong việc ngăn ngừa bệnh thấp khớp.
Tác dụng giảm béo
Khoai tây là một trong những thực phẩm có hàm lượng chất béo thấp và tỷ lệ chất xơ cao (hơn 2g chất xơ trong một củ khoai tây 148g). Vì thế, việc sử dụng khoai tây mỗi ngày còn có tác dụng giảm cholesterol trong máu, cải thiện hàm lượng lipid trong máu, tăng cảm giác no, vì vậy giúp giảm cân.