Ngày 8/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức họp báo để thông tin về 2 nội dung, gồm: Vụ xét xử bị cáo Nguyễn Hồng Khanh, nguyên Bí thư Thị ủy Bến Cát; và vụ Tổng Công ty sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương - PV) vi phạm trong góp vốn và chuyển nhượng tài sản Nhà nước mà Tieudung.vn (báo Kinh tế & Đô thị) có loạt bài phản ánh.
Ông Lê Hữu Phước - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương chủ trì buổi họp báo |
Tại buổi họp báo, rất nhiều phóng viên báo đài đặt câu hỏi liên quan đến những sai phạm của TCT Bình Dương trong việc góp vốn, chuyển nhượng giá rẻ mạt tài sản được Nhà nước giao để kinh doanh. Cụ thể dự án Khu đô thị - Thương mại – Dịch vụ (KĐT-TM-DV) Tân Phú có diện tích 430.000m2 (43 ha) và dự án “Câu lạc bộ sân golf & Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp” với diện tích 1.450.000m2 (145 ha) tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Theo đó, ngày 23/12/2015, Tỉnh ủy Bình Dương ra công văn yêu cầu TCT Bình Dương chuyển giao 43 ha đất cho Công ty Phát triển quỹ đất quản lý. Nhưng đến năm 2016, TCT Bình Dương vẫn ngang nhiên bán toàn bộ số đất nêu trên cho công ty góp vốn liên doanh với với giá rẻ mạt. Hành vi này phải khẳng định là cố ý làm sai chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Dương.
Tất cả sự việc đếu công khai, chỉ đến khi báo chí vào cuộc, cơ quan chức năng mới bắt đầu xử lý là quá chậm. Vậy có hay không sự “chống lưng” trong vấn đề này?
Đối với dự án “Câu lạc bộ sân golf & Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp” diện tích 145 ha, cũng được các báo đặt vấn đề: “Vụ 145 ha đất tương đồng vụ chuyển nhượng 43 ha. Khi xác minh chúng tôi thấy dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng hơn vụ 43 ha, thất thoát tiền Nhà nước nghiêm trọng hơn và có dấu hiệu chuyển cho công ty sân sau, công ty gia đình. Nhưng tại sao Tỉnh ủy Bình Dương trong sự kiện này, cùng 1 đơn vị chuyển nhượng, cùng 1 hành vi như nhau, nhưng trong cuộc họp này lại tách 2 sự việc đó ra”?
Sau khi nghe tất cả các câu hỏi của phóng viên các báo đài, ông Lê Hữu Phước cho biết đối với vụ việc liên quan dự án KĐT-TM-DV Tân Phú có diện tích 43 ha, tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Sau khi UBND tỉnh cho lập đoàn thanh tra để thanh tra, trong quá trình này phát hiện sai phạm vượt chức năng thẩm quyền của thanh tra và chưa thể kết luận được nên Cơ quan thanh tra đề nghị UBND tỉnh chuyển hồ sơ này sang cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) để tiến hành điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
“Hiện vụ việc đã được chuyển sang cơ quan CSĐT để tiến hành các bước quy trình tố tụng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, nếu thấy cần thiết thì mở rộng điều tra.
Quá trình này, cơ quan CSĐT điều tra sẽ tiếp tục cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định. Điều này khẳng định quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong việc chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật. Làm sáng tỏ, không bao che những hành vi sai phạm nếu có, mọi hành vi vi phạm đều phải được xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Trong thời gian tới việc cung cấp thông tin liên quan vụ việc này, Thường trực Tỉnh ủy giao cơ quan CSĐT thực hiện theo quy định của pháp luật”, ông Phước nói.
Đất vàng được nhà nước giao nhưng TCT Bình Dương chỉ bán với giá 581.653 đồng/m2, thấp hơn mức Nhà nước quy định 42 lần. |
Như Chuyên trang Tieudung.vn của báo Kinh tế và Đô thị, đã có loạt bài phản ánh về 2 dự án có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng của TCT Bình Dương. Sau khi được UBND tỉnh chấp thuận cho TCT Bình Dương đầu tư dự án Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (Khu liên hợp Bình Dương - PV) tại thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một) vào năm 2005 và được giao diện tích hơn 5.409.692 m2 (hơn 540 ha).
Đến ngày 1/7/2010, TCT Bình Dương do ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc (bên A) ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) do ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Giám đốc (bên B) để thỏa thuận thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Bên A góp vốn 60 tỷ đồng tiền mặt (30%), bên B góp 140 tỷ đồng (70%), thực hiện dự án Khu dân cư – Thương mại – Dịch vụ (quy mô 430.000m2) tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một.
Theo hợp đồng liên doanh, dự án được chia thành ba giai đoạn, trong đó quy định việc góp vốn phải hoàn tất chậm nhất vào tháng 2/2011. Thế nhưng cả TCT Bình Dương lẫn Công ty Âu Lạc không thực hiện việc góp vốn điều lệ như đã ký kết mà chỉ nộp nhỏ giọt. Đến ngày 8/12/2016, TCT Bình Dương cố tình ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất toàn bộ 430.000m2 cho Công ty Tân Phú chỉ với giá hơn 250 tỷ đồng (581.653 đồng/m2).
Trong khi trước đó vào ngày 23/12/2015, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định 66/2015/QĐ-UBND về quy định bảng giá đất ở đô thị tại khu vực TP Thủ Dầu Một với mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2, vị trí 2 giá 7,7 triệu đồng/m2 và vị trí 3 giá 5,64 triệu đồng/m2. Chỉ cần so sánh giá do liên doanh TCT Bình Dương với Công ty Âu Lạc bán cho Công ty Tân Phú đã thấy rẻ hơn 42,2 lần giá do UBND tỉnh Bình Dương quy định.
Ngay sau khi nhận chuyển nhượng 30% của TCT Bình Dương trong Công ty Tân Phú, Công ty Âu Lạc lập tức “sang tay”, và đơn vị mua cuối cùng được thể hiện trên hồ sơ kế toán là Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh (TP Hồ Chí Minh), người đại diện pháp luật là bà Đặng Thị Kim Oanh (SN 1970, Tổng giám đốc). Ngày 28/1/2018, Kim Oanh Group làm lễ động thổ dự án KĐT-TM-DV Tân Phú với quy mô hơn 2.000 lô đất nền, nhà phố liền kề trên diện tích 430.000m2 nêu trên.