Cố tình làm trái ngay từ đầu
Năm 2003, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Bình Dương thành lập và phát triển Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị Bình Dương (Khu liên hợp Bình Dương - PV) tại thị xã Thủ Dầu Một (nay là TP Thủ Dầu Một). Đến năm 2005, UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (nay là TCT Bình Dương) đầu tư dự án. Sau đó TCT Bình Dương được tỉnh nhiều lần giao đất với diện tích hơn 5.409.692 m2 (hơn 540 ha).
Từ khi chưa được giao đất chính thức, TCT Bình Dương đã xin chủ trương kinh doanh, ký hợp tác liên doanh với nhiều đối tác nhằm thực hiện nhiều dự án và được đồng ý. Trong hàng loạt dự án do TCT Bình Dương thực hiện, đã có dấu hiệu trục lợi cho nhóm lợi ích, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước lên tới nhiều nghìn tỷ đồng.
Khu đất rộng 430.000m2 chạy dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), UBND tỉnh quy định giá 24,57 triệu đồg/m2, nhưng TCT Bình Dương cố tình bán hơn 581.000 đồng/m2. |
Thể hiện rõ nhất tại khu đất có diện tích hơn 430.000 m2 chạy dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một). Theo đó vào ngày 1/7/2010, TCT Bình Dương do ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Giám đốc (bên A) ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Bất động sản Âu Lạc (Công ty Âu Lạc) do ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Giám đốc (bên B) để thỏa thuận thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Bên A góp vốn 60 tỷ đồng tiền mặt (30%), bên B góp 140 tỷ đồng (70%), để thực hiện dự án Khu dân cư – Thương mại – Dịch vụ, quy mô 430.000m2 tại phường Hòa Phú.
Mặc dù ký hợp đồng thành lập liên doanh từ ngày 1/7/2010, nhưng mãi 20 ngày sau, TCT Bình Dương mới có văn bản gửi Tỉnh ủy Bình Dương để… xin chủ trương hợp tác, và được chấp thuận vào ngày 17/8/2010. Theo hợp đồng liên doanh, dự án được chia thành ba giai đoạn, trong đó quy định việc góp vốn phải hoàn tất chậm nhất vào tháng 2/2011. Thế nhưng, cả TCT Bình Dương lẫn Công ty Âu Lạc không thực hiện việc góp vốn điều lệ như đã ký kết mà chỉ nộp nhỏ giọt.
Thiệt hại nhiều nghìn tỷ đồng
Phải đến ngày 30/11/2016, Hội đồng thành viên TCT Bình Dương họp về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích 430.000m2 tại dự án nêu trên với giá hơn 250 tỷ đồng (hơn 581.000 đồng/m2). Đến ngày 8/12/2016, TCT Bình Dương ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất toàn bộ 430.000m2 cho Công ty Tân Phú, lúc này bên A và B mới nộp đủ tiền góp vốn, nhưng bên A lại góp vốn bằng… quyền sử dụng đất chứ không phải tiền!
Điều đáng nói vào ngày 23/12/2015, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định số 66/2015/QĐ-UBND quy định bảng giá đất ở đô thị tại khu vực TP Thủ Dầu Một với mức giá chuẩn tại vị trí 1 là 24,57 triệu đồng/m2. Trong khi khu đất 430.000m2 thuộc dự án nằm dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch (vị trí 1). Như vậy, bỗng dưng Nhà nước bị mất nhiều nghìn tỷ đồng, vì chỉ cần so sánh bảng giá do UBND tỉnh quy định (chưa nói đến giá thực ngoài thị trường) thì mức giá này đã cao gấp hơn 42,2 lần so với giá 581.000 đồng/m2 do TCT Bình Dương đem bán.
Bảng tên các đơn vị liên quan dự án. |
Chưa kể, vào ngày 29/7/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã có văn bản số 407-CV/TU về việc phê duyệt chi tiết phương án sử dụng đất của TCT Bình Dương, thì đối với diện tích 430.000m2 thuộc dự án Khu dân cư – Thương mại – Dịch vụ được chuyển lại cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương (100% vốn Nhà nước, trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương). Có nghĩa công văn 407 của Tỉnh ủy Bình Dương ra đời trước 4 tháng, nhưng TCT Bình Dương vẫn cố tình họp rồi chuyển nhượng “khu đất vàng” với giá cực rẻ để gây thiệt hại không nhỏ cho tài sản của Nhà nước.
Tỉnh ủy không bao che, xử nghiêm theo quy định
Liên quan đến vụ việc này, ông Bùi Minh Thạnh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, cho biết: “TCT Bình Dương thuộc sở hữu của Tỉnh ủy, hiện nay TCT này đã cổ phần. Trên cơ sở TCT Bình Dương xin chủ trương hợp tác kinh doanh với Công ty Âu Lạc để lập Công ty Tân Phú để đầu tư thực hiện dự án 430.000m2, với số tiền góp vốn điều lệ 60 tỷ đồng (tỷ lệ 30%). Ngày 17/8/2010, Thường trực Tỉnh ủy có công văn đồng ý chủ trương cho TCT Bình Dương góp 30%. Năm 2017, TCT này xin chủ trương cho chuyển nhượng lại 30% cho Công ty Âu Lạc để tập trung vốn đầu tư dự án khác. Sau khi xem xét, Tỉnh ủy cho phép chuyển nhượng vốn 30%. Như vậy chủ trương của tỉnh là nhất quán, xuyên suốt là cho TCT Bình Dương góp vốn, chuyển nhượng vốn 30% bằng tiền chứ không phải góp bằng quyền sử dụng đất. Năm 2018, TCT Bình Dương có công văn nêu góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không phải bằng tiền. Xét thấy TCT Bình Dương thực hiện không đúng chủ trương nên Tỉnh ủy đã có công văn thu hồi chủ trương cho góp vốn 30% để chờ xử lý”.
Cũng theo ông Thạnh, trước thực tế của vụ việc, Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương lập đoàn thanh tra. “Hiện thanh tra đang làm theo quy định. Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy là không bao che. Sau khi có kết luận thanh tra, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định pháp luật”, ông Bùi Minh Thạnh, khẳng định.
(Còn nữa)