Cần sửa sai cho Quyết định 24
Theo Vinasun Corp. nhận thấy, Quyết định số 24 cho phép triển khai thí điểm hình thức “vận tải hợp đồng điện tử” do cựu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ký ban hành đã có sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thẩm định, phê duyệt đề án, gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành vận tải taxi, phá vỡ quy hoạch giao thông, gây thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế cũng như hệ lụy tới một bộ phận lớn người lao động vay tiền ngân hàng, đầu tư xe, chịu lỗ.
Vì vậy, Vinasun đề nghị tân Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét huỷ bỏ Quyết định số 24 và thực hiện quản lý hoạt động Grab, Uber như hoạt động vận tải taxi.
Theo đó, Quyết định số 24 không thực hiện đúng Văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 của Phó Thủ tướng Chính Phủ về việc đồng ý Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Cụ thể, Khoản 1 văn bản số 1850 của Phó Thủ tướng Chính Phủ nêu rõ: “Đồng ý Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng; trong đó, có việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử trong giao dịch thuê xe ô tô thay cho hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh và người thuê vận tải”. Uber và Grab đã có mặt và hoạt động tại Việt Nam từ 2014. Kế hoạch ban hành theo Quyết định số 24 chủ yếu là kế hoạch triển khai hoạt động của Công ty TNHH Grab taxi.
Uber và Grab là taxi
Theo Vinasun Corp, mặc dù không có hợp đồng nào được ký kết nhưng Uber, Grab vẫn được xếp vào loại hình vận tải hợp đồng. Hợp đồng điện tử là khái niệm vận tải taxi bị đánh tráo, bản chất Grab và Uber là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, cần định danh dịch vụ vận tải Grab, Uber là dịch vụ vận tải taxi.
Sử dụng dịch vụ Grab, Uber nhưng người tiêu dùng không thể tìm ra được nội dung hợp đồng vận tải nào được ký kết cho mỗi chuyến đi.
Cũng theo Vinasun Corp., hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết chứ không phải là mô hình kinh doanh và không đúng quy định về xe hợp đồng. Căn cứ vào Điều 7 Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Điều 44, Điều 45 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT thì hình thức vận tải kết nối qua phần mềm của Grab, Uber không có đủ cấu thành của một hợp đồng vận tải, nên không thể xếp vào hình thức vận tải hợp đồng.
Cũng theo Vinasun Corp., đề án thí điểm cho phép không khống chế số lượng dù cho các địa phương khuyến cáo nhiều lần. Không rõ vì lý do gì đề án Grabcar được thông qua và được xếp vào loại hình xe hợp đồng. Điều này tạo một “lối mở” cho các xe ô tô tham gia thí điểm ồ ạt gia nhập thị trường vận tải taxi mà không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh của vận tải taxi.
Trước và trong suốt quá trình thực hiện thí điểm, Sở GTVT Hà Nội và TP Hồ Chí Minh liên tục khuyến cáo tình trạng gia tăng số lượng xe, gây ùn tắc giao thông và tình trạng không kiểm soát được các phương tiện vận tải. Tuy nhiên, các kiến nghị này lại không được lưu tâm. Ngược lại, còn được các cơ quan chuyên môn lý giải thí điểm thì không cần khống chế số lượng.
Kết quả là trong một thời gian ngắn, số lượng xe ô tô cá nhân tăng chóng mặt, phủ kín đường, nhiều hơn số lượng taxi chính thống - trước nay vẫn bị giới hạn theo quy hoạch.
Từ đó, Vinasun Corp. nêu rõ quan điểm cần xem lại tính pháp lý hoạt động Grab và Uber tại Việt Nam. Cụ thể, Grab là doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư nước ngoài, và có phải là công ty con của Công ty mẹ Grab Malaysia?
Vi phạm nghiêm trọng về thuế
Tổng Cục thuế cho biết, số thuế Grabtaxi nộp trong kỳ kinh doanh 2014-2016 là 9,5 tỷ đồng, bằng 1/130 số thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian (1.200 tỷ đồng). Kinh doanh cùng một thị trường, phục vụ cùng một đối tượng khách hàng, có số xe chỉ bằng 1/6 số xe của Grabtaxi, nhưng Vinasun lại nộp thuế hơn Grab gấp 130 lần. Có thể nói, chính sách thuế tương đồng nhưng lỗ hổng thực thi chính sách thuế là rất lớn.
Trong công văn số 15467/BTC-TCT ngày 15/11/2017, Bộ Tài chính nhận định Grabtaxi có dấu hiệu rủi ro thuế cao, buộc phải đưa vào diện kiểm soát thuế trọng điểm.
Bên cạnh đó, Cục thuế Hà Nội cũng đã có công văn số 78551 ngày 4/12/2017 công khai phần doanh thu của 197 hợp tác xã vận tải được chia từ dịch vụ Grabcar. Nhiều đối tác của Grabtaxi là hợp tác xã vận tải, lái xe đã không thực hiện nghĩa vụ thuế trong nhiều năm.
Trong quyết định thanh tra thuế của Cục thuế TP. Hồ Chí Minh, Uber bị yêu cầu truy thu gần 67 tỷ tiền thuế. Đến nay, Uber vẫn chưa chịu nộp số tiền trên. Như vậy, cả hai doanh nghiệp Grab, Uber và các đối tác đều vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thuế.
Theo kết quả thanh tra thuế, Bộ Tài chính cho biết, công ty TNHH Grabtaxi được Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp phép thành lập từ năm 2014. Sau 5 lần điều chỉnh giấy phép kinh doanh, hiện nay, Grabtaxi có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, và có hai thành viên góp vốn là Grab Inc thuộc quốc đảo Caymand chiếm 49% vốn góp và ông Nguyễn Tuấn Anh chiếm 51% vốn góp.
Từ thực tế này, Vinasun Corp. đặt nghi vấn, tại sao Grab taxi - doanh nghiệp kinh doanh 1 dịch vụ lại cần có 2 Công ty, cùng tên người đại diện chỉ khác là có 2 mã số thuế, 2 kiểu hạch toán thuế?, Công ty nào là công ty được Bộ GTVT cho phép thí điểm hay bất kỳ công ty nào có chữ Grab?, Thí điểm hỗ trợ ứng dụng công nghệ hay thí điểm trực tiếp điều hành kinh doanh như taxi?
Từ nhiều bất cập trên, Vinasun Corp. đề nghị tân Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét huỷ bỏ Quyết định số 24 và thực hiện quản lý hoạt động Grab, Uber và các đối tác như quản lý hoạt động vận tải taxi. Việc đưa Uber, Grab về đúng bản chất loại hình dịch vụ sẽ giải quyết không cần bổ sung khung pháp lý mới, đem lại bình đằng trong kinh doanh, bảo vệ tốt quyền lợi khách hàng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Nhiều hợp tác xã “giấy’ hình thành: Theo Theo Vinasun Corp., nhiều hợp tác xã “giấy’ hình thành để đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải. Hình thành một đội ngũ lái xe không được đào tạo, không được quản lý giám sát, không được bảo hiểm, nguy cơ cho cả lái xe và hành khách. Chỉ trong 2 năm, hàng loạt hợp tác xã được dựng lên để hợp thức hóa yêu cầu này. Hợp tác xã vận tải lớn mạnh cả về số lượng xã viên, số lượng phương tiện. Điển hình có hàng loạt hợp tác vận tải tại TP Hồ Chí Minh có số lượng xã viên lên tới 4.000 – 5.000 mỗi hợp tác xã. Điều đáng nói, các hợp tác xã này không hề quản lý phương tiện, xã viên, mà chỉ cung cấp “dịch vụ” giấy tờ. |