Dù UBND TP Hà Nội nhiều lần đề nghị dỡ bỏ nhưng Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn đang hoạt động. Ảnh: Bảo Ngân |
Kiến nghị nhiều năm vẫn bị lãng quên?
Mới đây, UBND TP Hà Nội tiếp tục có công văn gửi Bộ GTVT đề nghị đơn vị này tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải tỏa Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài. Theo đó, Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài không phải là trạm thu giá dịch vụ hoàn vốn của đường Võ Văn Kiệt, mà là hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Do đó, việc yêu cầu người dân không sử dụng tuyến đường tránh TP Vĩnh Yên phải nộp tiền thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ khi đi qua Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài tại vị trí hiện nay là không đúng.
Vì lý do trên, trong nhiều năm qua kể từ khi trạm thu phí này đi vào hoạt động, cử tri TP Hà Nội đã bức xúc và có nhiều ý kiến về sự vô lý này. Do đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ dỡ bỏ Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài hiện tại và đưa về vị trí đúng quy định. Đây không phải lần đầu TP Hà Nội có ý kiến với Bộ GTVT về nôi dung trên. Tuy nhiên, suốt nhiều năm qua, Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài vẫn tồn tại và hoạt động bình thường như chưa hề có bất cứ đề xuất nào từ người dân và chính quyền TP Hà Nội.
Không chỉ riêng Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình xử lý bất cập tại các dự án BOT giao thông, Bộ GTVT thừa nhận hiện có 17 trạm BOT có bất cập về vị trí. Trong đó có 3 trạm đặt ngoài phạm vi dự án; 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh; 6 trạm thu trên cả tuyến QL và đường cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành và 2 trạm thu phí hoàn vốn cho Dự án hầm đèo cả.
Trong số 17 trạm sai vị trí trên thì 3 trạm: BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), BOT Tào Xuyên (Thanh Hóa) và BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) thuộc danh mục những trạm đặt ngoài phạm vi dự án nhưng vẫn hoạt động thu phí từ nhiều năm qua.
Lý giải về việc “đặt nhầm” vị trí của 3 trạm BOT này, Bộ GTVT cho rằng, do muốn tiết kiệm vốn đầu tư cho việc xây thêm trạm thu phí mới (từ 30 – 50 tỷ đồng) nên khi các dự án trên hoàn thành, nhà đầu tư đã được phép tận dụng các trạm thu phí sử dụng dịch vụ hoàn vốn ngân sách Nhà nước để làm trạm thu phí BOT cho dự án.
|
Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài nằm ngoài phạm vi dự án. Ảnh: Bảo Ngân |
Phải dẹp bỏ ngay Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, bất cập về vị trí của Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài đã được nhắc tới từ nhiều năm nay chứ không phải bây giờ mới có. Đây chính là điển hình cho câu chuyện “thu chỗ này bù cho chỗ khác” mà không ít trạm BOT giao thông đang mắc phải. “Đường lên sân bay người dân đã đóng đủ các loại phí cần thiết. Mà đường này xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, giờ lại đè người dân ra thu phí để hoàn vốn cho dự án khác là không được” - chuyên gia Cao Sỹ Kiêm nhận định.
Vấn đề BOT giao thông nếu để Bộ GTVT tự làm thì rất khó. Cần có sự chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ cùng sự phối hợp của các ngành liên quan. Chính phủ phải chỉ đạo mới được chứ để Bộ GTVT tự tung tự tác, tự làm thì không thể được. Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm |
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, nếu Bộ GTVT muốn dư luận đồng tình và muốn cho các vấn đề của các trạm BOT hiện nay được giải quyết dứt điểm thì phải dẹp bỏ ngay Trạm BOT Bắc Thăng Long – Nội Bài cũng như các trạm thu phí sai vị trí khác. Và cũng nhân cơ hội này, Bộ GTVT cần sắp xếp lại các trạm BOT, làm sao đảm bảo tính công bằng, công khai, minh bạch, hợp lòng dư luận. “Những trạm BOT sai thì phải kiên quyết gỡ bỏ thì mới nghiêm pháp luật được. Đã sai rồi mà không sửa thì không nên. Không nên lấp liếm như thế khiến dư luận càng nghi ngờ, càng phản ứng” - ông Co Sỹ Kiêm nói.
Đánh giá về cách xử lý, giải quyết các vấn đề BOT của Bộ GTVT trong thời gian qua, một số chuyên gia giao thông cho hay, dù đã được Chính phủ giao chủ trì rà soát, đề xuất phương án giải quyết đối với những trạm BOT từ lâu, nhưng đến nay, những gì Bộ GTVT làm được vẫn chưa đúng với kỳ vọng. Gần như trong suốt thời gian qua, Bộ này chỉ đưa ra đúng một phương án là giảm phí nhưng trên thực tế, nhiều trạm BOT đã áp dụng phương án này rồi nhưng vẫn vấp phải phản ứng từ dư luận và người dân.
“Trước tiên phải xây dựng được một quy chuẩn, một mẫu chung để áp dụng cho tất cả các BOT trên toàn quốc. Còn cứ làm lẻ tẻ như hiện nay thì xong chỗ này nó sẽ phình ra chỗ khác, thành vòng luẩn quẩn, dư luận không đồng tình. Bộ GTVT cũng phải có thái độ xử lý sai một cách kiên quyết, còn cứ lấy lý do sợ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước như hiện nay khác nào đùn đẩy trách nhiệm, mà đã như thế thì sẽ không thể làm được” - ông Cao Sỹ Kiêm nói.