Ngày 16/6, đại diện UBND tỉnh Long An cho biết Chủ tịch UBND tỉnh này đã ký quyết định cho phép Công ty TNHH B.O.T ĐT 830 được tổ chức thu giá dịch vụ đường bộ tại trạm thu giá dịch vụ đường bộ Bến Lức thuộc xã An Thạnh (huyện Bến Lức) và xã Hựu Thành (huyện Đức Hòa) để hoàn vốn cho dự án nâng cấp, mở rộng ĐT 830 và ĐT 824, đoạn từ cầu An Thạnh đến thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An.
Theo đó, từ 0 giờ đến 23 giờ 59 phút ngày 17/6, hai trạm Bến Lức và Đức Hòa sẽ vận hành thử nghiệm hệ thống nhưng không thu tiền. Bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/6, tiến hành thu phí các phương tiện lưu thông qua tuyến đường này. Hệ thống trạm thu phí Bến Lức và Đức Hòa được lắp đặt thiết bị thu phí một dừng, sử dụng công nghệ mã vạch.
Theo UBND tỉnh Long An, đến nay tỉnh đã thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp nằm trong vùng ảnh hưởng đã nhận thức được lợi ích kinh tế, xã hội mà tuyến đường mới mang lại và đồng thuận với chủ trương thu phí.
Cụ thể, theo phương án được thống nhất, mức giá vé thấp nhất là 25.000 đồng/vé, cao nhất là 165.000đồng/vé. Phương tiện đi qua 2 trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên cùng một hướng trong ngày chỉ trả tiền cho 1 lần mua vé.
Bên cạnh đó, các phương tiện tham gia đường bộ từ 30 chỗ ngồi trở xuống của chủ sở hữu không kinh doanh và có hộ khẩu thường trú tại các xã nằm trong phạm vi 2 trạm sẽ được miễn thu phí. Riêng ô tô của người dân 2 bên tuyến không sử dụng mục đích kinh doanh vận tải sẽ được miễn phí; xe của các doanh nghiệp nằm trên tuyến chỉ thu phí một lần và được giảm 20%.
Phương tiện qua 2 trạm thu phí trên cùng 1 hướng trong ngày chỉ trả tiền cho 1 lần mua vé. Đối với vé tháng, thấp nhất 750.000 đồng/vé, cao nhất 4.950.000 đồng/vé. Đối với vé quý, thấp nhất 2.025.000 đồng/vé, cao nhất 13.365.000 đồng/vé.
Đại diện chủ đầu tư cho biết trạm thu phí BOT Bến Lức - Đức Hòa sẽ thí điểm thu trong 6 tháng, sau đó sẽ điều chỉnh mức giá phù hợp trước khi đưa vào thu chính thức.
Ông Phạm Văn Cường, giám đốc công ty Băng Dương (đại diện chủ đầu tư) cho biết nhà đầu tư cam kết sẽ thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên tuyến đường một cách kịp thời và miễn phí hoàn toàn cho tất cả các phương tiện, người dân đi trên đường.
Mục tiêu dự án là nâng cao năng lực trung chuyển hàng hoá từ các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Long An, đồng thời tăng cường vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh.
Dự án đường tỉnh 830 được khởi công từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2018 công trình được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư (kể cả lãi vay) khoảng 1.079 tỷ đồng.
Chiều dài toàn tuyến gần 24 km, điểm đầu tuyến tại cầu An Thạnh và điểm cuối tuyến tại Ngã ba giao với ĐT 825 (trước công viên Võ Văn Tần). Mặt đường rộng 15 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h.
Thời gian thu dự kiến là 19 năm, thời gian thu giá cụ thể sẽ được tính toán sau khi quyết toán dự án kết hợp với việc xác định lưu lượng xe.