Vào lúc 17giờ, ngày 18-1, Bộ GTVT đã họp báo công bố chính thức thông tin về các trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ, có sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông.
Tại họp báo Bộ GTVT thừa nhận công tác chọn vị trí đặt trạm tại một số dự án còn bất cập. Đối với các quốc lộ chỉ áp dụng được hình thức thu phí lượt, cách tính này không công bằng với người sử dụng ít, dẫn đến người dân bức xúc khi đi ít vẫn phải trả tiền cho cả tuyến. Bên cạnh đó, chất lượng công trình và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, nhiều đoạn xuống cấp, hư hỏng.
Bộ GTVT cho rằng, công tác tuyên truyền chưa tốt, nhiều địa phương xử lý tình hình an ninh chưa hiệu quả. Bộ GTVT còn cho biết, có những địa phương còn xin miễn giảm 100% giá các phương tiện biển xanh trên địa bàn như Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hoà...
Theo Bộ GTVT, cả nước hiện có 88 trạm thu phí, trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm (gồm 56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu), UBND các tỉnh quản lý 15 trạm (11 trạm đang thu, 4 trạm chưa thu). Trong số các trạm này, có 58 trạm có khoảng cách đến trạm liền kề hơn 70km, 10 trạm có khoảng cách 60-70km, 20 trạm có khoảng cách dưới 60km.
Về vị trí đặt trạm, hiện có:
- 58 trạm đặt trên các tuyến quốc lộ hoàn vốn cho các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến và xây dựng cầu mới.
- 3 trạm nằm ngoài phạm vi dự án hoàn vốn cho dự án đầu tư tuyến tránh là trạm Tào Xuyên, Cầu Rác, Bắc Thăng Long - Nội Bài (Đây là những trạm do lịch sử để lại, tận dụng lại các trạm thu phí ngân sách chuyển sang thu hoàn vốn cho dự án BOT, nếu đầu tư xây mới sẽ phát sinh 30-50 tỷ đồng).
- 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho 6 dự án nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh, gồm trạm Nam Cầu Giẽ, Bến Thủy, Quán Hàu, Trảng Bon, Sóc Trăng, Cai Lậy.
- 6 trạm thu cả trên quốc lộ và cao tốc khi xây dựng cao tốc và cải tạo quốc lộ song hành, gồm 1 trạm QL6 và 1 trạm cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, 1 trạm QL3 và 1 trạm cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, 1 trạm trên QL1 đoạn Bắc Giang - Lạng Sơn và 1 trạm thu phí kín trên cao tốc.
- 2 trạm trên QL5 đang thu nộp ngân sách được Thủ tướng cho phép thu hỗ trợ cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Bộ GTVT khẳng định sẽ tập trung giải quyết xử lý rốt ráo các vấn đề bức xúc về BOT trong năm 2018.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời về việc xử lý trách nhiệm của cá nhân ông khi còn là Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký hợp đồng dự án BOT Cai Lậy, Bộ trưởng khẳng định, không có tư túi, không lợi ích nhóm, không làm cong, bẻ sai trong dự án này. |
Theo Bộ GTVT, từ ngày 1.1.2017, khi luật Giá có hiệu lực, Bộ đã làm việc với các nhà đầu tư, địa phương thống nhất chủ trương giảm giá cho các đối tượng bị ảnh hưởng vùng lân cận trạm thu giá. Với giải pháp này, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, đến nay, đều nhận được sự đồng thuận của người dân và vận hành ổn định.
Giai đoạn từ tháng 8.2017 đến nay, Bộ GTVT tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với các địa phương, nhà đầu tư đã giảm giá cho các trạm trên toàn quốc tương tự như 6 trạm trên. Đến nay, Bộ GTVT đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực lân cận trạm thu giá tại 51 dự án/55 dự án đã khai thác.