Bác toàn bộ kháng cáo
Ngày 30/5, HĐXX TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên y án sơ thẩm đối với Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên Phó Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè) 7 năm về tội “Lừa đảo chiềm đoạt tài sản” (tổng cộng 2 án là 27 năm tù); bác toàn bộ kháng cáo của 4 công ty đòi Vietinbank phải bồi thường gần 1.000 tỷ đồng.
Trước đó phiên tòa sơ thẩm ngày 9/2 (giai đoạn II đại án Huyền Như), HĐXX đã tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) chung thân (tổng hợp của 2 bản án là chung thân), về trách nhiệm dân sự phải bồi thường số tiền trên 1.085 tỷ đồng cho 5 công ty.
Siêu lừa Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên tòa ngày 30/5 - Ảnh: Tân Tiến. |
Sau bản án sơ thẩm, Huyền Như không kháng cáo. Còn bị cáo Anh Tuấn kháng cáo với nội dung cho rằng 1 hành vi không thể xử 2 lần và xin giảm án. Đối với 4 công ty, gồm: Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS), Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông (Công ty ORS), Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu (Công ty Toàn Cầu), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc (Công ty An Lộc) kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm ngày 9/2, tách vụ án ra để xét xử Huyền Như tội “Tham ô tài sản” và buộc Vietinbank trả tiền gốc và lãi cho các công ty này.
Riêng Công ty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên (Công ty Hưng Yên) không kháng cáo.
Tuyên y án sơ thẩm của giai đoạn II
Tuy nhiên theo HĐXX phúc thẩm, tại phiên tòa Huyền Như xác định bản án sơ thẩm số 56/2018/HSST ngày 9/2 (giai đoạn II) là đúng nên không kháng cáo, án đã có hiệu lực pháp luật. Huyền Như khai 1 số công ty không trực tiếp đến ngân hàng mở tài khoản mà giao cho Như làm giùm, từ đó Như đã xác định được cách giả chữ ký, đánh tráo các thủ tục mở tài khoản tại các chi nhánh Vietinbank, giả chữ ký, giả dấu mộc của Hà Tuấn Anh và Võ Anh Tuấn (Giám đốc, Phó Giám đốc chi nhánh Vietinbank Nhà Bè), chi lãi ngoài, tiền hoa hồng và môi giới cho bà Lê Thị Thanh Phương (Giám đốc Trung tâm nguồn vốn của Ngân hàng TMCP Tiên Phong) 40 tỷ đồng; chi cho bà Vũ Thị Mỹ Linh (Kế toán trưởng SBBS) và người môi giới tên Hải trên gần 16 tỷ đồng, Công ty SBBS cũng nhận lãi trên 42 tỷ đồng…
Đối với lời khai Huyền Như chi cho bà Phương nhận 40 tỷ đồng, nhưng bà Phương không thừa nhận. Tuy nhiên trong quá trình điều tra của vụ án, cơ quan điều tra xác định bà Phương có nhận số tiền hoa hồng nêu trên thông qua một số tài khoản nên tại phiên tòa sơ thẩm giai đoạn II, HĐXX TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên buộc bà Phương phải hoàn trả trên 32,4 tỷ đồng. Sau đó bà Phương có đơn kháng cáo nhưng tòa không chấp nhận.
Từ những nhận định nêu trên HĐXX TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cho rằng bản án sơ thẩm tuyên là đúng. Vì vậy HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của bị cáo Võ Anh Tuấn và tuyên phạt bị cáo này y án 7 năm tù giam (tổng hợp 2 án ở 2 giai đoạn là 27 năm tù), Huỳnh Thị Huyền Như (tổng hợp 2 án ở 2 giai đoạn là chung thân). HĐXX cấp phúc thẩm cũng tuyên bác toàn bộ kháng cáo của 4 công ty nêu trên.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cũng tuyên buộc Huyền Như phải bồi thường trên 1.085 tỷ đồng (số làm tròn) đã chiếm đoạt của 5 công ty: trên 200 tỷ đồng (Công ty Hưng Yên), trên 170 tỷ đồng (Công ty An Lộc), 380 tỷ đồng (Công ty Phương Đông), gần 125 tỷ đồng (Công ty Toàn Cầu), gần 210 tỷ đồng (Công ty SBBS). Trong số tiền này, bị cáo Võ Anh Tuấn liên đới trách nhiệm số tiền trên 200 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên.