Ký biên bản thỏa thuận, nhận tiền cọc xong “lật kèo”
Theo trình bày của ông Nguyễn Đình Lễ (SN 1950, ngụ phường 9, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), vào ngày 11/6/2018, ông Lễ ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) của ông Bùi Văn Mẳng (SN 1936), diện tích 5.270m2 tại các thửa số 1218, 1209, 1210, 1185, 1184, 1186 tờ bản đồ số 12 (ấp Phú Hiệp, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh). Đất đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 1110/QSDĐ ngày 9/11/2001 cho ông Bùi Văn Mẳng.
Giá chuyển nhượng 2.002.600.000 đồng, ông Lễ đặt cọc cho ông Mẳng 200 triệu đồng; lần thứ hai vào ngày 28/6/2018 sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng tại Văn phòng công chứng sẽ đưa nốt số tiền còn lại sau khi trừ tiền cọc. Sau khi ông Lễ đặt tiền cọc và ông Mẳng nhận thì ông Mẳng bệnh nặng, phải điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115 từ ngày 30/6/2018 đến 10/7/2018.
Ông Nguyễn Đình Lễ trình bày sự việc với phóng viên.
Ngày 7/7/2018, ông Nguyễn Đình Lễ, ông Bùi Văn Mẳng cùng với sự tham gia của 11 người con ông Mẳng, gồm các bà: Bùi Thị Khon, Bùi Thị Bé, Bùi Thị Định, Bùi Thị Ngọc Anh, Bùi Thị Hoàng Thu, Bùi Thị Kim Hồng; các ông: Bùi Văn Trân, Bùi Văn Tâm, Bùi Văn Tấn, Bùi Văn Dũng và Bùi Huyền Đạo cùng ký biên bản thỏa thuận về việc đồng ý tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng QSDĐ đã ký ngày 11/6/2016.
Ông Lễ đã giao thêm cho ông Mẳng và các con số tiền 1.682.600.000 đồng, và ghi rõ trong biên bản thỏa thuận là tổng số tiền đã chi trả được xem như tiền cọc. Số tiền còn lại 120 triệu đồng, ông Lễ sẽ thanh toán sau khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Ngày 1/8/2018, ông Bùi Văn Mẳng mất. Ông Nguyễn Đình Lễ đã yêu cầu các con ông Mẳng làm các thủ tục theo quy định của pháp luật để công chứng, nhưng các con ông Mẳng không đồng ý. Do đó, ông Lễ khởi kiện yêu cầu các con của ông Mẳng phải trả lại số tiền cọc đã nhận 1.882.600.000 đồng, và bồi thường gấp đôi tiền cọc là 3.765.200.000 đồng, tổng cộng là 5.647.800.000 đồng (năm tỷ sáu trăm bốn mươi bảy triệu tám trăm nghìn đồng).
Bản án sơ thẩm có nhiều sai lầm
Ngày 16/6/2023, TAND huyện Củ Chi đưa vụ án “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng QSDĐ” ra xử (chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Phan Hùng Vương) và tuyên bằng bản án số 247/2023/DSST là không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đình Lễ; tuyên vô hiệu biên bản thỏa thuận chuyển nhượng QSDĐ ngày 7/7/2018 giữa ông Nguyễn Đình Lễ với ông Bùi Văn Mẳng cùng 11 người con ông Mẳng; tuyên buộc 11 người con ông Mẳng (đại diện là ông Bùi Văn Dũng) chỉ trả lại cho ông Nguyễn Đình Lễ 2.082.600.000 đồng (hai tỷ không trăm tám mươi hai triệu sáu trăm nghìn đồng). Trả 1 lần, ngay sau khi bản án phát sinh hiệu lực pháp luật.
Cho rằng TAND huyện Củ Chi không công minh, nên ông Nguyễn Đình Lễ làm đơn kháng cáo. Đồng thời, ngày 30/6/2023, Viện KSND huyện Củ Chi cũng ra quyết định số 06/QĐ-VKS-DS kháng nghị phúc thẩm đối với bản án số 247/2023/DSST của TAND huyện Củ Chi. Quyết định kháng nghị của Viện KSND huyện Củ Chi đã chỉ ra những vô lý tại bản án số 247 nêu trên.
Quyết định của Viện trưởng Viện KSND huyện Củ Chi kháng nghị nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 247/2023/DSST ngày 16/6/2023 của TAND huyện Củ Chi.
Theo đó, căn cứ lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn và biên bản thỏa thuận ngày 7/7/2018, giữa ông Lễ và ông Mẳng cùng các con ông Mẳng, có nội dung: “Căn cứ hợp đồng nhận cọc ngày 11/6/2018 về việc chuyển nhượng thửa đất có số vào sổ 1110/QSDĐ do UBND huyện Củ Chi cấp cho ông Bùi Văn Mẳng ngày 9/11/2001, tại điều 1 ghi rõ: “Nếu bên A đồng ý ký kết biên bản thỏa thuận này, thì dù trễ hạn bên B cũng không khởi kiện yêu cầu bên A bồi thường, để bên A chú tâm vào việc chăm sóc cụ Mẳng”.
Như vậy, có thể thấy sau khi ông Mẳng và ông Lễ ký hợp đồng nhận cọc đất ngày 11/6/2018, ông Mẳng bị bệnh nặng, các con yêu cầu trả tiền trước để có tiền điều trị nên ông Mẳng và ông Lễ đã tiếp tục ký biên bản thỏa thuận ngày 7/7/2018 cùng với sự tham gia ký tên của 11 người con ông Mẳng.
Tại điều 3 của biên bản thỏa thuận ngày 7/7/2018, nêu: “Trường hợp xấu nhất mà cụ Mẳng ra đi thì các thành viên còn lại bên A có trách nhiệm sẽ tiếp tục thực hiện việc công chứng sau khi kê khai di sản thừa kế theo quy định của pháp luật”. Còn điều 4, ghi: “Tổng số tiền bên B đã chi trả cho bên A được xem như là tiền cọc, nếu bên A đổi ý không đi công chứng thì phải bồi thường gấp đôi”.
“Do đó, có cơ sở để nhận định biên bản thỏa thuận ngày 7/7/2018 là sự thỏa thuận của các bên về việc thay đổi nội dung của hợp đồng nhận cọc ngày 11/6/2018”, kháng nghị của Viện KSND huyện Củ Chi nhận định.
Quyết định kháng nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm
Quyết định kháng nghị của Viện KSND huyện Củ Chi cũng dẫn chứng việc HĐXX nhận định tại thời điểm ký biên bản thỏa thuận ngày 7/7/2018, ông Mẳng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình, thể hiện ở chỗ ông Mẳng không ký tên và ghi rõ họ tên mà chỉ điểm chỉ vào biên bản thỏa thuận; và các bên không thể ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ mà chỉ có thể ký biên bản thỏa thuận là do ông Mẳng không còn minh mẫn…, để từ đó tuyên hợp đồng thỏa thuận ngày 7/7/2018 vô hiệu là sai.
Theo Viện KSND huyện Củ Chi, quy định của pháp luật không bắt buộc đương sự phải điểm chỉ và ký, ghi rõ họ tên vào văn bản thỏa thuận. Hơn nữa, việc không ký, ghi rõ họ tên và không ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không là cơ sở để xem xét một người có năng lực nhận thức và làm chủ hành vi hay không, mà là quyền tự định đoạt của các đương sự.
“HĐXX nhận định trong bản án cho rằng tại thời điểm ngày 7/7/2018, ông Mẳng không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình là không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ khoa học, không phù hợp với tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Bản án có nêu chi tiết rất rõ lời khai của ông Bùi Văn Trân và bà Bùi Thị Khon: khi đó cha tôi còn minh mẫn, tỉnh táo khi ký “Biên bản thỏa thuận” và kêu đưa cho mỗi người con 100 triệu. Mặt khác, muốn kết luận một người mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì đều cần phải có kết luận giám định pháp y tâm thần của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền (điều 22, 23, 24 Bộ luật Dân sự 2015)”, kháng nghị của viện KSND huyện Củ Chi chỉ ra cái sai của bản án 247.
Quyết định kháng nghị cũng cho rằng tòa án nhận định thỏa thuận về việc chuyển nhượng QSDĐ ngày 7/7/2018 là vô hiệu và buộc ông Dũng (đại diện các bị đơn) chỉ hoàn trả cho ông Lễ 1.682.600.000 đồng… là sai.
Bởi vụ án này, các đương sự không yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, cũng không yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu. Nhưng trong quá trình giải quyết vụ án, tòa án không tiến hành lập biên bản giải thích cho đương sự trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu, hậu quả của hợp đồng vô hiệu cho các đương sự biết để thực hiện các yêu cầu giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu dẫn đến các đương sự không biết để thực hiện quyền yêu cầu của mình. Tòa án không xem xét đến yếu tố lỗi và bồi thường thiệt hại mà chỉ buộc các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là chưa giải quyết toàn diện vụ án, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Từ những lẽ trên, Viện KSND huyện Củ Chi quyết định kháng nghị toàn bộ bản án dân sự số 247/2023/DSST ngày 16/6/2023 của TAND huyện Củ Chi. Đồng thời, đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng phân tích nêu trên.
Theo trình bày của ông Nguyễn Đình Lễ, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 28/11/2023, chủ tọa phiên tòa Phạm Hồng Loan và hai thẩm phán Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phan Thị Tú Oanh không phân tích sai sót của bản án 247 và quyết định kháng nghị của Viện KSND Củ Chi để xét hỏi bị đơn, mà chỉ hỏi nguyên đơn xoay quanh hợp đồng đặt cọc và biên bản thỏa thuận, rồi đặt các câu hỏi bất lợi cho nguyên đơn như: ông có biết ông ký hợp đồng đặt cọc và biên bản thỏa thuận với ông Mẳng trong khi vợ ông đã chết sau khi cấp giấy chứng nhận QSDĐ là sai không? Ông Bùi Văn Trân nhận tiền có được các người con khác ủy quyền hay không?
Qua bài viết này, thiết nghĩ vào ngày 5/12/2023 tới đây, HĐXX khi tuyên án cần công tâm, đúng pháp luật.