Carbs tốt và xấu trong bánh mì
Carbohydrate cung cấp nhiên liệu cho cơ thể, cũng là chất dinh dưỡng chính trong bánh mì. Sự thật là carbohydrate không phải “kẻ thù" của cân nặng. Trong chế độ ăn kiêng low-carb, vấn đề không nằm ở tổng lượng carbohydrate nạp vào, mà loại carbs cụ thể. Nhiều người theo chế độ ăn low-carb đang mắc phải một sai lầm là từ bỏ carbs hoàn toàn. Có chất béo tốt và chất béo không lành mạnh, tương tự, có carbohydrate tốt giàu chất xơ và carbohydrate không lành mạnh.
Carbs tốt
Trái cây, rau, đậu và ngũ cốc ít chế biến chứa các nguồn carbohydrate có lợi cho sức khỏe, giúp cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa. Ngoài ra, ngũ cốc nguyên hạt còn cân bằng các chất dinh dưỡng khác mà bánh mì trắng không có.
Chế độ ăn nhiều carbohydrate giàu chất xơ, thực phẩm chưa qua chế biến được xem là lành mạnh. Tiêu thụ ngũ cốc nguyên hạt, như bánh mì nâu, bánh quy giòn, gạo lứt và hạt quinoa, sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, bệnh tim, viêm, béo phì và một số bệnh ung thư.
Carbs xấu
Trong khi đó, bánh mì trắng được chế biến từ một loại carbohydrate đơn giản, đã qua quá trình xử lý. Đặc tính của chúng là nhanh và dễ tiêu hóa, nhưng lại có ít giá trị dinh dưỡng.
Thực phẩm làm từ ngũ cốc chế biến cao khiến lượng đường trong máu tăng đột biến ngay sau khi ăn, góp phần vào sự phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Một lượng lớn carbohydrate đơn giản trong bánh mì trắng còn dẫn đến tăng cân và nguy cơ bệnh tim, cũng như các bệnh mãn tính khác.
Carbs chế biến cũng thiếu chất xơ, khiến bạn không cảm thấy no sau khi ăn. Vì vậy bạn sẽ thèm ăn nhiều hơn ngay sau đó, đặc biệt là khi lượng đường trong máu giảm.
Lý do không nên ăn bánh mì
Có nhiều tinh bột nhưng lại ít chất xơ
Bánh mì trắng được làm từ bột lúa mì tinh luyện. Bột này được xay từ những hạt lúa mì đã được tách lớp vỏ cám bên ngoài. Vì vậy, hàm lượng chất xơ không cao.
Khi ăn bánh mì trắng, chúng ta chỉ ăn thuần túy tinh bột, cũng chính vì vậy mà bánh mì trắng làm từ bột tinh luyện cũng ít dinh dưỡng hơn các loại ngũ cốc nguyên hạt khác như gạo lứt, kê, lúa mạch, MSN dẫn lời chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Erin Palinski-Wade.
Làm đường huyết thất thường
Vì có ít chất xơ và protein nên cơ thể sẽ hấp thụ bánh mì trắng làm từ bột tinh luyện nhanh hơn. Điều này dễ khiến đường huyết trong máu tăng đột ngột và dẫn đến một số hệ quá như mau thấy đói, từ đó kích thích ăn nhiều hơn, đặc biệt là các món ngọt và dễ cảm thấy cáu kỉnh, theo MSN.
Làm tăng nguy cơ tiểu đường loại 2
Ăn bánh mì trắng sẽ khiến đường huyết tăng đột ngột. Khi đường huyết tăng đột ngột, cơ thể sẽ tiết một lượng lớn insulin vào máu. Insulin sẽ đưa lượng đường này vào bên trong các tế bào.
Nếu tình trạng đường huyết tăng đột ngột diễn ra quá thường xuyên, các tế bào sẽ trở nên kháng insulin, dẫn đến cơ thể khó kiểm soát đường huyết và tăng nguy cơ tiểu đường loại 2, bà Palinski-Wade nói thêm.
Tăng cân
Bánh mì trắng có hàm lượng tinh bột cao nên khi ăn quá nhiều sẽ khiến cơ thể dư năng lượng và tích dưới dạng mỡ thừa. Bánh mì trắng được cơ thể hấp thụ rất nhanh, khiến mau đói và từ đó ăn nhiều hơn.
Các yếu tố này sẽ dẫn đến tăng cân và tích tụ mỡ bụng nếu ăn quá nhiều, theo MSN.