Dự án do UBND TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư có tổng thể 408 ha, sau điều chỉnh còn 395 ha thuộc phường Long Bình, quận 9, TP Hồ Chí Minh và gần 27 ha nằm trên đất xã Bình Thắng, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Thế nhưng hơn hai mươi năm hình thành, mục đích này của DA dường như chỉ là… ý tưởng.
Ban quản lý Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc cho biết, đến tháng 8/2019, việc bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc dự án phần trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 91%, địa bàn tỉnh Bình Dương đạt 85%.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp chưa chấp hành việc thu hồi và bàn giao mặt bằng bao gồm 288 hộ dân dù đã đủ chính sách bồi thường giải tỏa và tái định cư; một số cơ sở tôn giáo đang chờ chính sách đền bù thuộc địa bàn quận 9; nhiều trường hợp các đơn vị thuê mướn nhưng hết hạn hợp đồng vẫn không bàn giao trả mặt bằng.
Nhiều loại hàng được cất giấu tại khu bãi do ông Lê Hoài Sơn lấn chiếm tại DA Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc.
Tháng 7/2018, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã có Kết luận số 25/KL-TTTP-P5 về việc thanh tra công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất đai thuộc dự án công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc.
Theo kết luận thanh tra, tính đến ngày 31/12/2017, Trung tâm Đầu tư và Phát triển Công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc ký kết 19 hợp đồng với 15 đơn vị hơn thuê mặt bằng 35,4 ha.
Tại biên bản ngày 20/3/2018, Thanh tra ghi nhận nhiều mặt bằng cho thuê có thời hạn 1 - 5 năm như Công ty TNHH MTV phát triển Nông nghiệp Kỹ thuật cao Trang trại Việt, Công ty TNHH Công trình giao thông Sài Gòn, Công ty TNHH gỗ Duy Dương thuê có một nhà khu sắt tiền chế, mái tôn vách tôn 700 m²…
Theo ghi nhận, trong khuôn viên dự án còn có 24 cá nhân, tổ chức lấn chiếm, sử dụng đất với diện tích lên đến hơn 4,6 ha, sử dụng vào mục đích kinh doanh cà phê, giải khát, quán ăn, bãi xe cơ giới chuyên dụng, xe container, garage sửa xe... "nhưng ban quản lý không có biện pháp hiệu quả, quyết liệt để ngăn chặn"
Số liệu của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tổng diện tích mặt bằng ban quản lý dự án đang cho thuê khai thác chiếm gần 20 ha. Giải trình với thanh tra, ban quản lý cho rằng chỉ tạm cho thuê mặt bằng ở công viên trong thời gian chờ đầu tư, thực hiện dự án.
Về giá thuê đất, Ban quản lý vận dụng đơn giá đất cho thuê đối với trường hợp đã được giao đất có mục đích sử dụng đất cụ thể theo các quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh là không có căn cứ, không phù hợp với giá thị trường.
Đây là việc làm chủ quan, tùy tiện kéo dài nhiều năm tại Ban quản lý nhưng chậm được khắc phục xử lý, ít nhiều ảnh hưởng đến việc kêu gọi đầu tư các dự án thành phần tại công viên.
Theo Thanh tra TP Hồ Chí Minh, trách nhiệm này thuộc về tổ chức, cá nhân thuộc Ban quản lý công viên và tổ chức, cá nhân thuộc UBND quận 9 cần được kiểm điểm, làm rõ và xử lý đúng các vi phạm theo phân cấp quản lý.
Thông tin từ Ban quản lý công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, cho hay sau khi Cơ quan thanh tra kết luận về những khuyết điểm, vi phạm của ban quản lý, ban đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân có liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc.
Sau khi có kết luận thanh tra, Ban quản lý DA đã đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động, xây dựng tường rào, đào mương, cắm biển cảnh báo… nhưng người dân vẫn phá rào, mở lối đi khác. Bên cạnh đó, đến tháng 8/2018, Ban quản lý DA đã triển khai các biện pháp kiên quyết để thực hiện thanh lý hợp đồng cho thuê đối với 19 trường hợp sai phạm theo kết luận thanh tra. Tuy vậy, hiện còn chín trường hợp vẫn vướng mắc trong việc thanh lý hợp đồng và bàn giao lại mặt bằng. Nhiều trường hợp đã hết hạn hợp đồng từ cuối năm 2018 nhưng vẫn chiếm dụng đất sử dụng trái phép và cho thuê lại đất để kiếm lời. |