Bài 1: Cần quy hoạch có tầm nhìn
Vỉa hè có chức năng và mục đích sử dụng chỉ dành cho người đi bộ, trồng cây, đặt cột điện… Thế nhưng, các vỉa hè trên hầu hết các tuyến đường tại các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… lại phải “cõng” thêm một số chức năng “thương mại” khác.
![]() |
Hiện hầu hết các vỉa hè trước nhà dân tại các đô thị ở Việt Nam đang bị người dân chiếm dụng để kình doanh |
Có một thực tế là lực lượng chức năng địa phương đang không thể kiểm soát được các trường hợp chiếm dụng vỉa hè. Hơn nữa, quy định của pháp luật liên quan đến việc xử phạt hành vi chiếm dụng vỉa hè đã không đạt kết quả như mong muốn. Khi lợi ích sinh ra từ việc “đánh cắp”quá lớn thì người vi phạm sẵn sàng tìm mọi cách “qua mặt” chính quyền, để tiếp tục duy trì việc kinh doanh, buôn bán…
Thực tế này đã tồn tại từ nhiều năm nay mà các đô thị lớn vẫn phải đối mặt. Có thể nói, đây là biểu hiện chung của đô thị đang có xu hướng phát triển mạnh về kinh tế, về tăng dân số cơ học nhưng hạ tầng cơ sở chưa thể đáp ứng kịp. Mặt khác, những nỗ lực, phối hợp, phản ứng của các ngành chức năng còn thụ động, chưa phù hợp với thực tiễn, khiến diện tích vỉa hè vốn đã hẹp nay càng trở nên chật hẹp và nhếch nhác hơn…
Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Chủ quan là do lực lương chuyên trách của chính quyền địa phương tương đối mỏng nên không thể bao trọn địa bàn. Mặt khác, thái độ thiếu quyết liệt trong việc xử lý các trường hợp vi phạm cũng là nguyên nhân chính gây cản trở việc kiểm soát các tuyến vỉa hè trên địa bàn. Khách quan là do hạ tầng cơ sở không đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân. Hơn nữa, các quy định xử phạt hành chính không đủ sức răn đe nên khó kiểm soát việc tái chiếm vỉa hè…
Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay đã khiến người dân xa rời các hoạt động kinh doanh sản xuất khác, mà chuyển sang lĩnh vực ít chịu tác động từ khủng hoảng kinh tế như: Dịch vụ ăn uống, mua bán thời trang giá rẻ, để tận dụng tối đa các điều kiện có sẵn như mặt bằng, vỉa hè thậm chí cả lòng lề đường; đồng thời đáp ứng nhu cầu “chém gió” và hóa đơn tính tiền giá rẻ của các khách hàng… Chính vì vậy mà các tuyến vỉa hè đang nhanh chóng teo tóp lại, bộ mặt đô thị ngày càng xấu xí, méo mó hơn. Chuyện lấn chiếm vỉa hè ở các đô thị đã trở thành “căn bệnh” trầm kha, khó chữa, đến mức nhiều người dân phải bức xúc kiện cáo và báo chí tốn không ít giấy mực.
![]() |
Vỉa hè nơi công cộng cũng bị chiếm dụng để kinh doanh |
Vì vậy, đối với một nền kinh tế đang phát triển, diện tích đô thị nhỏ hẹp như ở nước ta nói chung và Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh nói riêng thì việc “tẩy trắng” sinh hoạt lòng lề đường là điều không thể, bởi như vậy sẽ gây khó khăn cho cuộc sống mưu sinh của nhiều người có mức thu nhập thấp hoặc vừa phải. Cụ thể là những người bán hàng rong và những người buôn thúng bán bưng. Hơn nữa, các phương tiện đi lại của người dân vẫn phổ biến là xe hai bánh, quỹ thời gian eo hẹp thì quan hệ mua bán qua những tụ điểm như vỉa hè, lòng lề đường, chợ nhỏ, chợ chồm hổm, những cửa hàng dọc hai bên đường là khó tránh khỏi.
Trong khi đó, một số hệ thống siêu thị chỉ đảm đương một thị phần rất nhỏ nhu cầu của người dân. Cho nên, thay vì cho phép với một hệ thống quy định được nghiên cứu thận trọng thì ta chỉ đơn giản là… cấm! Kết quả là vấn đề trật tự lòng lề đường ở các đô thị trong cả nước vẫn còn nguyên sự hỗn độn của nó. Đây là lý do khách quan khiến các nhà quản lý cần xem xét đến chính sách quản lý, quy hoạch một cách thấu đáo hơn.
Nói cách khác, các ngành chức năng thay vì giải tỏa các trường hợp “đánh cắp” vỉa hè, lòng lề đường ở khắp các nẻo đường để phục vụ cho người đi bộ và một số sinh hoạt cộng đồng khác thì Nhà nước cần quy hoạch lại, sở hữu hóa và tổ chức đấu giá, cho thuê. Từ đó sẽ tạo nguồn thu để đầu tư nâng cấp cho vỉa hè. Đối với từng vỉa hè hiện hữu, cần có những quy định về quản lý, sử dụng khác nhau. Khi đó, vỉa hè sẽ có đủ diện tích để trang bị những băng ghế nghỉ chân cho khách bộ hành, thùng chứa rác, trạm điện thoại, máy rút tiền tự động… và có cả chỗ cho hàng triệu xe hai bánh có chỗ đậu trên vỉa hè.
TP Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại lớn nhất vùng Đông Nam Bộ và cả nước, thu hút lượng người lao động nhập cư lớn, trong đó có nhiều người hành nghề bán hàng rong. Địa bàn hoạt động của họ thường tập trung ở những nơi công cộng, đông người như: trường học, bệnh viện, công viên… Không phải ngẫu nhiên mà gánh hàng rong lại xuất hiện ngày càng nhiều trên các tuyến vỉa hè tại TP Hồ Chí Minh. Đó là thực tế khách quan, là hiện tượng di dân từ nông thôn ra thành thị. Theo lý giải của những người mưu sinh từ chính những gánh hàng rong thì việc canh tác vài công ruộng cũng chẳng bằng rong ruổi trên các tuyến phố.
Từ nhiều năm nay, khu vực này đã khiến các ngành chức năng “đau đầu” không tìm gia hướng giải quyết, giải tỏa. Ngay cả chính quyền địa phương cũng tỏ ra quyết liệt, tổ chức kiểm tra, xử phạt liên tục, nhưng sau đó lại đâu vào đấy. Phải nói rằng, để dẹp bỏ tồn tại trên là quá khó, khi mà đa phần những người gánh hàng rong đều là người nhập cư hoặc không nghề nghiệp ổn định, rõ ràng. Đối với họ, việc bán hàng rong là cơ hội duy nhất để mưu sinh và nuôi sống gia đình. Chính vì thế mà ngay cả người bán hàng rong trên khắp các nẻo đường, vỉa hè tại các đô thị cũng đang chờ đợi một chính sách khoa học, quy hoạch hợp lý để họ yên tâm mưu sinh cho cuộc sống…
(Còn nữa)