Đợt ra quân giải tỏa lề đường quận 1 gây xôn xao dư luận mấy ngày qua và có vẻ như trở thành một “hiện tượng” được người dân ủng hộ mạnh mẽ, ông có cảm nhận như thế nào về việc này?
Luật sư Trần Đình Dũng |
- Vỉa hè bị lạm dụng là một trong các vấn đề lớn của các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong bối cảnh rất mất mỹ quan đô thị, kẹt xe triền miên như hiện nay. Cách làm của ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch UBND quận 1 là làm ngay, làm dứt khoát, làm không kiêng dè. Cách làm này trái hẳn với cách hành xử “ù lì” trong thực thi pháp luật mà đã như thành “căn bệnh” của công chức ở một số địa phương. Chính vì lẽ đó mà nó được lòng dư luận quần chúng ủng hộ. Nhất là những giải tỏa như đập bức tường của cơ quan Bộ Công Thương, xử lý luôn xe công vụ biển xanh của Phó chủ tịch quận 9 đỗ sai vị trí, đập trụ sở dân phòng…
Loạt hành vi hành chính này, cùng với câu nói trước khi ra tay “không lấy lại được vỉa hè, tôi cởi áo về vườn” như một làn gió mới thổi vào guồng máy hành chính đã làm nức lòng nhiều người dân. Tuy nhiên, mỗi một hành vi hành chính của công chức đều phải tuân thủ trình tự của quy định pháp luật.
Theo ông, dưới góc độ pháp luật, những ứng xử hành chính này liệu có chính xác hay không?
- Đã nói về pháp luật thì bất kỳ hành xử hành chính nào của cá nhân công chức, tổ công tác thi hành công vụ đều buộc phải tuân theo thủ tục luật định. Khi đập bỏ một bức tường dù cho xây trái phép chiếm lề đường, Nhà nước cũng phải căn cứ vào nhiều quy định (pháp luật xây dựng, dân sự…) để xử lý có trình tự, chứ không phải vì bức xúc do đối tượng vi phạm không tự giác lâu ngày mà hành xử theo kiểu “yêng hùng”, quên đi các nguyên tắc pháp luật. Có thể nói, nếu tổ công tác đi tháo dỡ một số công trình vi phạm xây dựng đã có quyết định cưỡng chế thì chính xác, còn nếu chưa ra các quyết định thì phải xem lại.
Ông Đoàn Ngọc Hải ra lệnh cắt khóa cửa... |
...để tiến hành phá dỡ văn phòng khu phố 6 tại phường Bến Thành lấn chiếm vỉa hè. |
Vì sao mà phải áp dụng trình tự trong khi chỉ xử lý tháo dỡ một phần kiến trúc nhỏ nhoi, thưa ông?
- Đây là một câu hỏi đặt vấn đề rất đáng lưu ý. Vật xây dựng, vật buôn bán chiếm lề đường, trị giá lớn hay nhỏ thì trước hết nó là tài sản của người dân. Khi xử lý về tài sản, Nhà nước cần phải xem xét hành vi của người vi phạm và chủ sở hữu tài sản. Một bức tường xây trái phép, muốn đập bỏ, phải có biên bản vi phạm, rồi quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế. Thủ tục này dù nghe ra hơi rườm rà nhưng là quy định căn cứ trên các đạo luật nhằm đảm bảo trật tự hành chính cũng như quyền tài sản và các quyền khác của người vi phạm. Thủ tục này cũng buộc người vi phạm nộp phạt một khoản tiền vào ngân sách Nhà nước.
Tôi lưu ý rằng, khi xử lý bất kỳ một vấn đề gì, cơ quan Nhà nước cũng nên “đặt mình” từ nhiều phía, trong trường hợp này, nên xem xét cả phía người bị xử lý tài sản, cùng các quy định về pháp luật dân sự.
Xin cảm ơn ông!
Vỉa hè - cần giải pháp căn cơ
(Tieudung24h.vn) - Việc một số quận ở TP Hồ Chí Minh kiên quyết giành lại vỉa hè cho người đi bộ với những tuyên bố khá mạnh mẽ như không làm theo phong trào, không đánh trống bỏ dùi… đang nhận được sự quan tâm ủng hộ của dư luận. |