.Chiếc ô tô biển xanh này đậu lấn chiếm vỉa hè đã bị cơ quan chức năng quận 1 lập biên bản vi phạm và cho xe cẩu chở đi. |
TP. Hồ Chí Minh mạnh tay "xử" cả xe biển xanh và trụ sở công để "đòi" lại vỉa hè cho người đi bộ... |
Những biến chuyển tích cực trong mấy ngày đầu lập tức được Hà Nội chú ý, vì vỉa hè cũng là một vấn đề đau đầu chưa có cách giải quyết của Hà Nội nhiều năm nay.
Nhưng bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến băn khoăn về những khó khăn sẽ nảy sinh về lâu dài, về sự khác nhau giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, về thông tin kết quả tích cực của nó trong mấy ngày ra quân. Khoan nói đến TP Hồ Chí Minh, chỉ bàn về Hà Nội nếu áp dụng sáng kiến này.
Rõ ràng vỉa hè Hà Nội có nhiều vấn đề. Là một TP chật chội, vốn dĩ thiết kế cho một phần 20 dân số hiện nay, vỉa hè đã từ lâu không còn dành cho người đi bộ trên đường phố chưa nói gì đến xanh - sạch- đẹp, một mục tiêu được coi là trọng tâm trong cuộc chiến đấu vì trật tự, văn minh đô thị hiện nay.
...Còn Hà Nội?
Lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán trên phố Hoàng Ngọc Phách - Ảnh: Linh Anh |
Trở lại cách đây vài thập kỷ, vỉa hè còn thông thoáng, người ta vận động người đi bộ hãy đi lên vỉa hè và coi những người không sử dụng vỉa hè để lưu thông là càn quấy, thiếu ý thức. Nhưng rồi, trừ một số đường phố, Hà Nội phải dần dà mở rộng đường để lưu thoát xe cộ và do xây dựng thiếu quy củ, vỉa hè biến mất, nhiều đường phố không còn vỉa hè. Những phố ít nhiều còn vỉa hè thì lại không được chú ý tu bổ, đầy trạm biến áp, gốc cây, cống rãnh, gạch vỡ không thể đi lại an toàn. Đã thế, từ lâu rồi, vỉa hè thành của riêng những người có nhà mặt tiền. Họ kẻ vôi, cho thuê vỉa hè ngang nhiên, tùy công năng sử dụng. Các tổ dân phố, các phường cũng biến vỉa hè thành nơi trông xe đạp, xe máy, có khi là ô tô để thu phí. Vỉa hè thành cái chợ, nơi đó đủ cách kiếm lợi từ người dân đến lực lượng công an khu vực, quản lý thị trường, dân phòng..., Vỉa hè dành cho mọi quầy, quán thực phẩm tươi sống, quán cơm, cà phê, bia hơi đường phố. Người ta bày bàn ghế, tủ kính thức ăn ra đấy để kinh doanh và xả rác, vệ sinh bừa bãi. Một vấn đề của đô thị Hà Nội là chính quyền chưa nghiêm trong việc bảo vệ vỉa hè, tạo thói quen trong dân dùng vỉa hè làm nơi buôn bán, để xe, đun nấu bừa bãi, mất trật tự… Đã có nhiều lần TP chủ trương dẹp hàng rong, dẹp xe máy, cấm xe cộ lưu thông trên vỉa hè nhưng đều không giải quyết được ngoài lý do TP chật chội, mật độ dân cư và xe cộ quá đông; còn có vấn đề ý thức coi thường pháp luật của người dân và một bộ phận cán bộ cơ sở thoái hóa, biến chất.
Cho nên, dẹp vỉa hè, giành vỉa hè cho người đi bộ ở Hà Nội cần phải giải quyết tận gốc rễ, căn cơ, bài bản về thói tư lợi lâu ngày đã ăn sâu vào thói quen, tập quán, tệ tham nhũng vặt và nhiều vấn đề khác liên quan đến quản lý đô thị. Chỉ khi nào giao thông thông thoáng, dân cư giảm bớt, ý thức tôn trọng pháp luật của người dân được nâng cao cũng như nhiều tiêu cực trong xã hội được triệt tiêu, thì lúc đó, vỉa hè mới trả về cho người đi bộ được.