Còn ý kiến trái chiều
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển (hiện là Phó Chủ tịch Quốc hội, phụ trách Tài chính - Ngân sách) từng cho rằng, việc rà soát loại bỏ một số khoản phí không phù hợp, có thể gây bức xúc cho người dân như phí sử dụng lề đường, lòng đường, hè phố... cũng nên xem xét loại bỏ. Việc cho phép thu phí vỉa hè xem như công khai chấp nhận việc chiếm dụng vỉa hè để buôn bán, kinh doanh. Như vậy, thực trạng buôn bán bừa bãi sẽ tràn lan, tự phát và khó kiểm soát hơn.
Kinh doanh trên vỉa hè... điều tất yếu ở các thành phố lớn hiện nay |
Nhưng mới đây, tại phiên họp Quốc hội đang diễn ra, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại cho rằng: “Thực tế người buôn bán trên vỉa hè vẫn phải đóng phí nhưng ở “chỗ nào” đó? Qua điều tra, tôi thấy chỉ một quán hàng nước thôi vẫn phải nộp hàng tháng. Việc này đề nghị Chính phủ nên quan tâm. Hãy đưa người ta thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ như là doanh nghiệp siêu nhỏ và doanh nghiệp nhỏ, chỉ có điều là chúng ta định nghĩa và khái niệm của chúng ta đối với họ như thế nào. Ở các nước, đã kinh doanh thì phải nộp thuế. Chỉ là nộp như thế nào, cách thức ra làm sao, khác với doanh nghiệp như thế nào?”.
Làm gì để chống thất thu ngân sách từ “kinh tế vỉa hè” - Bài 1: Cần quy hoạch có tầm nhìn
(Tieudung.vn) - Theo tính toán của ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) tại phiên thảo luận của Quốc hội về báo cáo kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2019, kế hoạch năm 2020, mỗi năm ngân sách Nhà nước thất thu thuế khoảng 39.600 tỷ đồng, vì nước ta hiện có 5 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, chỉ có 1,7 triệu hộ đóng thuế môn bài, còn lại 3,3 triệu hộ kinh doanh cá thể kiểu bán trà đá, thuốc lá vỉa hè không đóng bất kỳ khoản thuế, phí nào. Nhưng để chống thất thu từ “kinh tế vỉa hè” thì phải giải quyết được “xung đột” giữa nhu cầu an sinh của người dân và kỷ cương của luật pháp… |
Cũng theo ông Thân: “Việc này chúng ta hoàn toàn có thể làm được, tôi nghĩ chúng ta đã để lọt một nguồn thu rất lớn. Tôi hỏi một cô bán hàng nước và thuốc lá thì cô ấy nói là đóng 1,5 triệu đồng/tháng tất cả các khoản. Tôi tính trung bình mỗi hộ đóng 1 triệu nhân với 12 tháng và nhân với 3,3 triệu hộ thì được 39.600 tỷ đồng trong một năm. Nguồn đó chúng ta không thu được và nếu chúng ta có sơ đồ, định nghĩa tốt phần đó chúng ta sẽ thu được. Đề nghị Chính phủ và Quốc hội nên nghiên cứu có cơ chế để đưa các hộ kinh doanh cá thể này tham gia được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng là thực hiện được Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và phấn đấu đến 2020 là 1 triệu doanh nghiệp. Chứ nếu như hiện nay là họ không vào, bởi vì ở ngoài người ta thấy làm dễ hơn. Thậm chí còn nguy hiểm hơn là có những doanh nghiệp bây giờ người ta thôi và không tham gia nữa”...
Cần luật hóa
Nếu Chính phủ xem xét đề nghị của ông Thân thì có nghĩa là phải Luật hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật, để quản lý các hộ kinh doanh cá thể, trên các tuyến vỉa hè. Khi đó, vai trò chủ sở hữu của Nhà nước được thể hiện rõ ràng thì sẽ không xảy ra tình trạng bát nháo, “đánh cắp” vỉa hè như hiện nay. Chẳng hạn, trên nhiều tuyến đường, những quán cà phê, quán nhậu có không gian hẹp đã chiếm dụng phần lớn diện tích vỉa hè để bày bán cho thực khách, thu lợi cao. Vì vậy, việc thu phí cho thuê vỉa hè cũng chính là cách quản lý chặt chẽ, tạo điều kiện hợp pháp cho các hộ kinh doanh hoạt động ổn định, lâu dài mà không sợ làm trái quy định.
Cần luật hóa việc thu phí cho thuê vỉa hè tạo sự công bằng trong kinh doanh! |
Cụ thể, mỗi hộ kinh doanh đều phải đóng tiền thuê diện tích vỉa hè nếu muốn sử dụng và khi không có nhu cầu thì cũng có thể “chia” lại cho các căn hộ bên cạnh có nhu cầu kinh doanh, buôn bán. Mặt khác, việc phải trả tiền khi sử dụng vỉa hè khiến người không sử dụng vỉa hè sẽ không thể “làm ngơ” để người khác kinh doanh, lấn chiếm bừa bãi. Ngay cả những hàng rong, ngoài lúc đi thì khi đã ngồi lại trên vỉa hè, ở phần lùi vào bên trong đã được qui định thì cũng phải trả tiền, Nhà nước phải dành cho họ cơ hội mưu sinh bằng những quy định cụ thể như vậy mới hi vọng chấm dứt được tình trạng xé nát vỉa hè. Về phần người quản lý, cũng phải chủ động quy định cách bao nhiêu mét thì có một ô để làm tủ thuốc, sạp báo, chỗ bơm vá xe.
Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh đã có hàng chục ngàn hàng nước, tủ thuốc, sạp báo, chỗ vá xe nằm rải rác trên khắp các nẻo đường, nếu thu phí (có phân loại theo từng tuyến đường) sẽ tạo ra nguồn thu rất lớn để tái đầu tư, nâng cấp, trang bị cho vỉa hè. Mặt khác, việc nộp phí sử dụng vỉa hè sẽ giúp người kinh doanh, người bán hàng rong có điều kiện buôn bán ổn định, không lo bị phạt hoặc phải “lót tay” mỗi khi gặp phiền toái từ sự nhũng nhiễu của một số cán bộ quản lý bị thoái hóa, biến chất. Thừa nhận buôn bán trên vỉa hè cũng sẽ giúp việc quản lý của địa phương trở nên dễ dàng, minh bạch hơn.
Chính phủ Singapore đã thành công trong việc quản lý hộ kinh doanh cá thể và gánh hàng rong từ những năm 1970. Khi đó, họ quản lý bằng cách tiến hành việc đăng ký cho người bán hàng rong. Số liệu thống kê đã ghi nhận hơn 31.000 giấy phép, trong đó có 9.000 trường hợp kinh doanh bất hợp pháp trước đây. Tất cả những ai có giấy phép đều được bán hàng rong và được tham gia vào chương trình “tái định cư” trong các “Trung tâm hàng rong” và trong lúc chờ đợi các “Trung tâm hàng rong” mới được xây, chính quyền đã tạm thời điều chuyển người bán hàng rong ngoài đường phố vào các khu vực đã chọn sẵn…
Vì thế, để thực hiện quản lý vỉa hè và chống thất thu ngân sách, Nhà nước cần giao cho một công ty đứng ra nghiên cứu phương án khai thác hợp lý, đúng công năng sinh hoạt đô thị và tùy theo cấu trúc hiện trạng của từng vỉa hè, từng tuyến phố mà nghiên cứu cách sử dụng khác nhau. Sau đó, công ty này sẽ chịu trách nhiệm quản lý kinh doanh, khai thác vỉa hè đô thị.
Tóm lại, để chống thất thu ngân sách từ “kinh tế vỉa hè” thì Nhà nước cần giải quyết được “xung đột” giữa nhu cầu an sinh của người dân và kỷ cương của luật pháp.