Ngày 8/8, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 7 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ tọng tâm 5 tháng cuối năm 2017 trên địa bàn TP.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đánh giá, Hà Nội luôn thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông bài bản, chặt chẽ, không ồn ào.
|
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại Hội nghị |
Ông Hùng nói: “Hà Nội thực thi pháp luật không ồn ào, không quá nóng nhưng rất chắc. Từ đầu năm đến giờ, tôi theo dõi Hà Nội và các địa phương cùng làm, thấy Hà Nội làm rất chắc, giữ được vỉa hè, không bị tái lấn chiếm”.
Ông cũng nói thêm, vỉa hè không phải vấn đề lớn nhưng là hình ảnh của năng lực thực thi pháp luật về đô thị, thể hiện chất lượng trong quản lý nhà nước.
Ông Khuất Việt Hùng mong muốn Hà Nội quan tâm trang bị phương tiện cho cơ sở, nhất ở cấp huyện để làm tốt hơn nữa công tác giảm tai nạn, ùn tắc. Đánh giá cao mô hình Iparking được thực hiện ở Hà Nội, ông Hùng đề xuất Hà Nội thí điểm dịch vụ này cho xe máy ở một số tuyến phố, sau đó nhân rộng ra toàn thành phố.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, tình trạng ùn tắc giao thông trên điah bàn TP Hà Nội từng bước được khắc phục, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) và được Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao tại Hội nghị sơ kết toàn quốc 6 tháng đầu năm 2017.
Mặc dù có những chuyển biến tích cực, xong Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 7 tháng đầu năm 2017 vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại.
Hà Nội dẹp vỉa hè không ồn ào nhưng hiệu quả. |
Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những mặt còn hạn chế nêu trên, Chủ tịch đề nghị các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2017.
Trong đó, Chủ tịch giao Công an Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 01/BCĐ197 ngày 03/3/2017 của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố về tăng cường kiểm tra, đôn đốc. xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn Thành phố. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng chức năng có trách nhiệm: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, siết chặt công tác quản lý vận tải hành khách, bố trí phân luồng, tuyến hoạt động ra, vào các bến xe hợp lý, khoa học.
Xử lý nghiêm tình trạng "xe dù", "bến cóc", chở quá số người quy định, vòng vo đón trả khách, dừng, đỗ sai quy định, xử lý phương tiện quá khổ, quá trọng tải quy định... nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như bảo đảm độ bền của công trình giao thông. Hoàn thành nhiệm vụ giảm tai nạn giao thông năm 2017 trên cả 03 tiêu chí về: Số vụ, số người chết và số người bị thương.
Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành chức năng triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030" trình UBND Thành phố ban hành. Phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội điều chỉnh lại Đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025".
Tiếp tục triển khai kế hoạch "Năm An toàn giao thông 2017" với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên" để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên ở trường học, khu vực đô thị và nông thôn.
Chủ tịch cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp với Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải và đơn vị liên quan trong công tác tổ chức giao thông, giải tỏa lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa. Kịp thời khắc phục tình trạng úng ngập trên một số tuyến phố; giải tỏa kinh doanh trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để họp chợ, mở đường ngang trái phép,... chỉnh trang đô thị và vệ sinh môi trường.