Tuy nhiên các hoạt động này sau hơn 2 tháng ra quân mạnh mẽ lấy lại không gian lòng đường và vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ, đã chấm dứt các hoạt động bề nổi.
Mới đây Sở GTVT TP.HCM vừa trình dự thảo đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP để các chuyên gia, người dân góp ý. Như vậy dường như là mục đích tốt đẹp của hoạt động đòi lại lòng đường vỉa hè đã thay đổi, không phải hoàn toàn dành cho người đi bộ.
Theo đó biểu giá cho việc sử dụng tạm thời vỉa hè làm bãi giữ xe, kinh doanh ẩm thực, chợ đêm và một số hoạt động dịch vụ khác sẽ được quy định cho tất cả các quận huyện trên địa bàn thành phố.
Đề án dự thảo quy định rõ các mức phí thu được chia theo khu vực. Khu vực I, tỉ lệ thu là 2% (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận); khu vực II, tỉ lệ thu là 1,8% (gồm các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú); khu vực III, tỉ lệ thu là 1,6% (gồm các quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức); khu vực IV, tỉ lệ thu 1,4% (gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn), huyện Cần Giờ thuộc khu vực V với tỉ lệ thu là 1,2%.
Quận 1 có mức phí cao nhất lên tới 100.000đ/m2/tháng, quận 3 là 80.000đ/m2/tháng, trong khi thấp nhất là các quận huyện vùng ven như Thủ Đức, Tân Phú, Củ Chi, Nhà Bè.. có mức giá 20.000đ/m2/tháng. Việc sử dụng lòng đường cho việc dừng đỗ xe du lịch cũng được thay đổi, quy định mức phí theo ngày và đêm, từ 20.000đ đến 40.000đ/lượt tại khu vực trung tâm.
Vỉa hè và lòng đường Ngô Đức Kế, Q.1 được tận dụng hoàn toàn cho mục đích kinh doanh |
Như vậy phải chăng với việc thu phí lòng đường và vỉa hè này, những người và phương tiện chiếm dụng không gian công cộng mặc nhiên được hợp thức hoá. Sau khi chính quyền và người dân đã mất nhiều công sức dọn dẹp lòng lề đường, nay lại cho sử dụng và tổ chức thu phí, có khác gì bật đèn xanh cho việc tái diễn nạn lấn chiếm lòng lề đường?
Theo Sở GTVT TP.HCM, việc thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường nhằm đóng góp một phần chi phí cho ngân sách nhà nước trong duy tu bảo dưỡng đường bộ, bến bãi, đồng thời nâng cao trách nhiệm của cá nhân và tổ chức khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè. Ngoài ra, việc thu phí này cũng nhằm tăng cường quản lý việc sử dụng một phần công năng của lòng đường, hè phố trên địa bàn TP được hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Rõ ràng khi cho phép sử dụng không gian lòng đường vỉa hè làm nơi kinh doanh có thu phí, chắc chắn không gian dành cho việc lưu thông thông suốt của người tham gia giao thông, trong đó có người đi bộ sẽ bị giảm đi. Chưa biết mục đích nào sẽ bị xem nhẹ.
Trả lời câu hỏi về cơ sở tính phí, theo Sở GTVT TP.HCM cho biết mức phí được xác định trên cơ sở bảng tính giá đất, tỉ lệ phần trăm tính tiền thuê đất do UBND TP.HCM đã ban hành. Sở GTVT cũng cho biết đã tham khảo ý kiến của các quận huyện và nhận được sự đồng tình của các địa phương.
Lòng đường Nguyễn Du Q.1 xe đậu kín suốt chiều dài, ảnh hưởng quyền lợi giao thông thông suốt |
Tuy nhiên chưa thấy việc lấy ý kiến người dân và người tham gia giao thông đối với việc này. Cũng phải thấy rằng việc thu phí sử dụng lòng đường và vỉa hè rất dễ phát sinh tiêu cực, bảo kê, phát sinh kiểu lấn chiếm lòng lề đường khác. Trong khi không phải nhà mặt tiền nào cũng có nhu cầu kinh doanh buôn bán, nhưng việc dừng đỗ xe hơi hay xe máy của họ vẫn là nhu cầu chính đáng, bất khả kháng.
Từ trước đến nay, nhiều nơi vẫn diễn ra tình trạng khai thác “ngầm” vỉa hè, lòng đường và số tiền đó không vào ngân sách nhà nước mà rơi vào túi một số cá nhân gây nên nhiều bức xúc. Với đề án thu phí sử dụng tạm vỉa hè, lòng đường của Sở GTVT TP.HCM - cho dù mục đích phục vụ có thể thay đổi - nhưng vẫn mong cần phải được lấy ý kiến sâu rộng và thực hiện công khai, minh bạch.