Tranh cãi ai đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú?
Sáng 20/10, TAND quận 7, TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” là khu đất dự án Khu dân cư (KDC) Hòa Lân ở phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Nguyên đơn trong vụ án này là Công ty TNHH Sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú), bị đơn là Công ty Cổ phần dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty bán đấu giá Nam Sài Gòn) cùng các đơn vị liên quan là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn), Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP Hồ Chí Minh (Công ty Kim Oanh) và Văn phòng Công chứng TP Mới, tỉnh Bình Dương.
Phiên tòa xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá” vào sáng 20/10 tiếp tục dừng đến ngày 27/10 xử tiếp.
Tại tòa, các luật sư đại diện Công ty Thiên Phú đã đề nghị HĐXX ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, để chờ TAND tỉnh Bình Dương xử xong một vụ án khác có liên quan. Đồng thời đề nghị HĐXX bác tư cách đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú đối với ông Nguyễn Văn Tú (SN 1976, hộ khẩu thường trú TP Hà Nội).
Sau khi chuyển nhượng hết 99% vốn góp cho bà Phạm Thị Hường. Đến cuối tháng 3/2020, ông Bùi Thế Sơn cùng 2 thuộc cấp bị bắt và bị tạm giam tại trại T17 Bộ Công an. Ngày 14/10/2020, trong trại tạm giam, ông Sơn mới ký hợp đồng ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Tú làm đại diện ủy quyền của Công ty Thiên Phú. |
Về phía đại diện Công ty Kim Oanh vẫn đề nghị HĐXX tiếp tục xét xử. Còn ông Nguyễn Văn Tú cho rằng mình mới là đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú chứ không phải bà Hà Thị Hồng Quyên (đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú và là người theo sát phiên tòa này từ trước - PV). Ông Tú cho rằng ông đại diện cho chủ Công ty Thiên Phú với 99% vốn góp là ông Bùi Thế Sơn (SN 1952, nguyên Giám đốc Công ty Thiên Phú, đã bị bắt giam hồi tháng 3/2020). Do đó bà Hà Thị Hồng Quyên (đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú từ trước đó - PV) không có tư cách đại diện Công ty Thiên Phú, vì suốt phiên tòa bà Quyên không trả lời bất cứ câu hỏi nào của các đương sự. “Tôi đề nghị HĐXX không chấp nhận phát biểu của các luật sư bảo vệ Công ty Thiên Phú, cũng như không chấp nhận tư cách đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú đối với bà Quyên”, ông Tú, nói.
Vì sao lại có chuyện ông Nguyễn Văn Tú được ông Bùi Thế Sơn làm hợp đồng ủy quyền đại diện cho Công ty Thiên Phú (trong lúc ông Sơn đã bị bắt giam) và bị các luật sư bảo về quyền lợi cho công ty này yêu cầu HĐXX bác tư cách?
Theo các luật sư của Công ty Thiên Phú, việc xác định tư cách tham gia tố tụng của các đương sự trong vụ án do HĐXX quyết định. Tuy nhiên, xét hợp đồng ủy quyền của ông Bùi Thế Sơn cho ông Tú được công chứng viên lập tại nơi tạm giam ông Sơn mà HĐXX công bố tại phiên tòa, cho thấy: Căn cứ khoản 6 điều 13 Luật Doanh nghiệp năm 2014, ông Bùi Thế Sơn không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Phú, mà người đại diện theo pháp luật đương nhiên là ông Trương Thành Phú. Việc ông Sơn tự cho mình vẫn là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thiên Phú ủy quyền cho ông Tú là không đúng nên HĐXX đã không chấp nhận là có căn cứ.
Đã bán hết vốn góp, thì không còn là thành viên công ty
Cũng theo các luật sư Công ty Thiên Phú, bởi lẽ ông Bùi Thế Sơn đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho bà Phạm Thị Hường. Việc chuyển nhượng đã hoàn tất, bà Hường đã có tên trong sổ đăng ký thành viên số 01.2020/SĐKTV-TP ngày 23/3/2020 của Công ty Thiên Phú. Căn cứ khoản 2 điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người mua quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 điều 49 của Luật này được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên”.
Dự án KDC Hòa Lân nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai (phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương).
“Do đó, ông Bùi Thế Sơn không còn là thành viên, không có quyền và nghĩa vụ với Công ty Thiên Phú kể từ ngày 23/3/2020, nên ông Sơn không thể ủy quyền cho ông Tú với tư cách là thành viên của Công ty Thiên Phú. Hiện nay, TAND tỉnh Bình Dương đang thụ lý vụ án tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên của công ty nhưng có giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp với thành viên của công ty, giữa bà Phạm Thị Hường, Nguyễn Ngọc Kim Châu với ông Bùi Thế Sơn, ông Trương Thành Phú xảy ra tại Công ty Thiên Phú. Như vậy, để giải quyết vụ án yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá và tranh chấp hợp đồng tín dụng, cần phải xác định chính xác thành viên của Công ty Thiên Phú, quyền và nghĩa vụ của các thành viên (kể cả nghĩa vụ thi hành bản án nếu bản án của TAND quận 7 xét xử có hiệu lực). Muốn vậy phải chờ kết quả giải quyết vụ án tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên của công ty nhưng có giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp với thành viên của công ty, của TAND tỉnh Bình Dương. Vì vậy đề nghị HĐXX căn cứ điểm d khoản 1 điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án”, các luật sư của Công ty Thiên Phú, yêu cầu.
Sau khi các bên đưa ra ý kiến, HĐXX thông báo đã nhận được giấy chỉ định của bác sỹ yêu cầu bà Hà Thị Hồng Quyên (đại diện theo ủy quyền của Công ty Thiên Phú) phải nghỉ lao động trong vòng 5 ngày để điều trị. Đồng thời để đảm bảo quyền của các bên đương sự, trong đó có bà Quyên nên HĐXX quyết định dời phiên tòa sang thứ ba tuần sau (27/10) sẽ mở lại.
Trước đó, tại phiên tòa diễn ra ngày 20/8, đại diện Viện KSND quận 7 đã đề nghị dừng phiên tòa và được HĐXX chấp thuận với lý do “cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì sẽ không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa”. Sau khi ngừng phiên tòa, TAND quận 7 đã ban hành công văn gửi các cơ quan có liên quan để thu thập bổ sung chứng cứ. “Sau thời gian thu thập, bổ sung chứng cứ, đến ngày 15/10 (ngày mở lại phiên tòa), HĐXX vẫn chưa thu thập được đầy đủ đó là: Chưa có văn bản trả lời của UBND tỉnh Bình Dương; Chưa có văn bản trả lời của Agribank Chợ Lớn; Chưa trưng cầu giám định tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điều 3 Thông tư số 44/2014/TT-NHNN ngày 29/12/2014. Như vậy, lý do để ngừng phiên tòa chưa được khắc phục. Đúng ra HĐXX phải căn cứ khoản 2 điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, để ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì nếu không thực hiện thì sẽ không thể giải quyết được vụ án”, các luật sư của Công ty Thiên Phú, lập luận. |