Sống yên ổn 31 năm, bỗng dưng bị kiện đòi nhà
Theo nội dung vụ kiện, vào năm 1989 do không có con chung nên cụ Trần Nghệ (tức Hiển Khánh, SN 1914) cùng vợ là cụ Phạm Thị Xuân (SN 1917) ra Bắc đón cháu là vợ chồng ông Phạm Văn Hùng cùng các con của ông Hùng vào sống cùng nhà số 120/41 (Số mới 121/55/9 đường Ba Cu, phường 4, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) của cụ Nghệ - Xuân nhằm chăm sóc 2 cụ khi về già. Cả 2 cụ đều xem vợ chồng ông Hùng như con, tuy không có văn bản nào xác nhận, nhưng điều này được hầu hết xóm giềng công nhận.
Ông Phạm Văn Hùng tại căn nhà cụ Phạm Thị Xuân mà gia đình ông đã ở 32 năm, bỗng dưng bị kiện đòi trả.
Năm 1992, cụ Nghệ mất, gia đình ông Hùng vẫn ở tại địa chỉ nêu trên để chăm sóc cụ Xuân. Cuối năm 2001, cụ Xuân bị tai biến phải nằm liệt giường, đồng thời bị thêm bệnh mất trí nhớ (Bệnh Alzheimer’s), việc chăm sóc cụ Xuân chỉ có gia đình ông Hùng. Đến năm 2006 cụ Xuân qua đời, gia đình ông Hùng vẫn ở tại căn nhà của cụ Xuân.
Bỗng dưng cuối năm 2017, bà Phạm Thị Hiền (SN 1950, ngụ nhà số 121/55/3 đường Ba Cu, phường 4, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) kiện đòi căn nhà mà vợ chồng ông Hùng cùng các con đang ở và TAND TP Vũng Tàu thụ lý đơn kiện ngày 16/11/2017 của bà Hiền.
Căn cứ để bà Hiền khởi kiện đòi căn nhà gia đình ông Hùng đang ở là dựa vào “Tờ di chúc” được cho là do cụ Xuân lập vào ngày 4/3/2002, và “Văn bản khai nhận di sản thừa kế” do bà Hiền tự đi lập vào ngày 29/8/2012.
Trong các buổi hòa giải do Tòa án thực hiện, ông Hùng đã chỉ ra sự mâu thuẫn, gian dối của 2 văn bản được bà Hiền cung cấp. Vì vậy bà Hiền “cầu viện”… 2 người con riêng của cụ Nghệ là ông Trần Xiêm (SN 1936) và bà Trần Thị Mên (SN 1944, cùng ngụ TP Vũng Tàu) để họ làm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nhưng không hiểu vì lý do gì tại phiên sơ thẩm TAND TP Vũng Tàu (Ngày 17/9/2020), và tại cấp phúc thẩm TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Ngày 5/1/2021 và 26/3/2021), vẫn cho rằng 2 văn bản nêu trên hợp pháp, các nhân chứng phía gia đình ông Hùng… không có văn bản nào chứng minh cụ Xuân bị tai biến, mất trí nhớ. Từ đó tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Hiền, và của ông Xiêm, bà Mên. Buộc vợ chồng ông Hùng cùng 3 người con và đứa cháu nhỏ phải ra khỏi căn nhà 121/55/9 Ba Cu, để giao trả cho 3 người nói trên.
Có dấu hiệu gian dối trong “Tờ di chúc” và “Tờ khai nhận di sản thừa kế”
Tại “Tờ di chúc” đánh máy nội dung: “… Trước mặt công chứng viên (CCV) ký tên dưới đây, tôi, người tự nhận thấy mình có đủ năng lực hành vi dân sự là bà Phạm Thị Xuân (SN 1917). Nguyên tôi và ông Trần Nghệ là đồng sở hữu và sử dụng căn nhà số 120/41A hẻm Ba Cu, phường 4, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà số 96/CNSH do Sở Xây dựng Đặc khu Vũng tàu Côn Đảo cấp ngày 25/3/1988) và quyền sử dụng lô đất thuộc tờ bản đồ số 03 thửa số 348 toạ lạc tại phường 4, TP Vũng Tàu (Giấy chứng nhận đã đăng ký ruộng đất số 1202/P4/Đ.K.Đ.Đ do UBND phường 4, TP Vũng Tàu cấp ngày 21/4/1990). Ông Trần Nghệ đã chết theo giấy chứng tử số 04 do UBND phường 4, TP Vũng Tàu cấp ngày 18/1/1992. Nay tôi trong tình trạng sức khỏe tốt, tinh thần tỉnh táo, sáng suốt minh mẫn, không bị lừa dối và không bị ai ép buộc. Tôi lập tờ di chúc này cho người con gái là Phạm Thị Hiền (SN 1950, giấy CMND số 270024322, hộ khẩu thường trú số 120/41A Ba Cu, phường 4, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau khi tôi qua đời, con gái tôi là Phạm Thị Hiền được thừa kế toàn bộ phần tài sản thuộc sở hữu và sử dụng của tôi đối với căn nhà và đất nêu trên…”.
Tờ di chúc thể hiện sự gian dối và vi phạm pháp luật công chứng, chứng thực.
Lời chứng của CCV, như sau: “Tại nhà số 120/41 hẻm Ba Cu, phường 4, TP Vũng tàu (vào lúc 18 giờ), tôi Lê Văn An, CCV Phòng công chứng số 1 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Chứng nhận bà Phạm Thị Xuân đã tự nguyện lập di chúc này; Theo sự nhận biết của tôi, tại thời điểm công chứng bà Phạm Thị Xuân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự phù hợp theo quy định của pháp luật; Người lập di chúc đã đọc lại bản di chúc này, đã đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong di chúc và đã ký vào di chúc trước sự có mặt của tôi”.
Tuy nhiên phân tích sự việc, Luật sư Hoàng Long Hà - Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: "Dấu hiệu gian dối của “Tờ di chúc” thể hiện ở chỗ, thời điểm ngày 4/3/2002, cụ Xuân đang nằm liệt giường vì tai biến và bị mất trí nhớ. Đặc biệt cụ Xuân… không biết đọc, chỉ biết ký mỗi chữ Xuân trên các giấy tờ giao dịch của mình trước đó, lúc còn khỏe mạnh. Thế nhưng CCV Lê Văn An vẫn chứng nhận như trên. Trong khi “Tờ di chúc” hoàn toàn không có chữ ký nào của cụ Xuân mà chỉ là 2 dấu lăn tay trong tờ giấy được đánh máy sẵn!".
Cũng theo Luật sư Hà, thời điểm năm 2002, việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo Nghị định 75/2000/NĐ-CP ngày 8/12/2000 của Chính phủ. Tại khoản 3, điều 56 Nghị định 75, quy định: “Trong trường hợp người yêu cầu công chứng, chứng thực không ký được, thì việc công chứng, chứng thực chữ ký được thay thế bằng việc công chứng, chứng thực điểm chỉ”.
"Do đó việc điểm chỉ, chỉ được thực hiện trong trường hợp cụ Xuân không thể ký được. Trong khi tại tòa, bà Hiền cho rằng thời điểm lập di chúc, cụ Xuân tỉnh táo, minh mẫn, khỏe mạnh. Nếu cụ Xuân còn tỉnh táo, khỏe mạnh, tại sao CCV không cho cụ Xuân ký tên mà đặt điểm chỉ vào di chúc? Chưa kể, phần lời chứng của CCV Lê Văn An, khẳng định: “Người lập di chúc (Cụ Xuân)… đã ký vào di chúc trước sự có mặt của tôi”. Điều này có nghĩa ông Lê Văn An đã công chứng sai sự thật, cố ý làm trái Nghị định 75", Luật sư Hà khăng định.
Hàng xóm của cụ Xuân và gia đình ông Hùng khẳng định 2 bản án của 2 cấp tòa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là vô lý
Còn trong “Văn bản khai nhận di sản thừa kế” do bà Phạm Thị Hiền tự lập vào ngày 29/8/2012, tại Văn phòng Công chứng Thắng Nhất, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cũng có dấu hiệ gian dối. Đó là cụ Nghệ và cụ Xuân không có con chung, nhưng trong tờ khai nhận này bà Hiền khẳng định bà là: “Con duy nhất và là người thừa kế theo pháp luật thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Nghệ, cụ Xuân. Những thông tin ghi trong tờ khai nhận di sản thừa kế là đúng sự thật. Ngoài bà Hiền ra thì cụ Nghệ, cụ Xuân không còn người thừa kế nào khác do cha mẹ của 2 cụ đều chết trước 2 cụ. Đồng thời cụ Nghệ, cụ Xuân không có con riêng hay con nuôi”. Thế nhưng, như đã nêu ở phần trên, sau khi ông Hùng vạch trần sự gian dối của 2 văn bản do bà Hiền cung cấp cho Tòa án, thì bà này “cầu viện” những người con riêng của cụ Nghệ, mà hằng mấy chục năm họ không hề ra mặt cũng như chăm sóc cho bố ruột của mình. Đặc biệt, trong đơn khởi kiện của mình vào tháng 11/2017, bà Hiền lại nhận là… con nuôi!
Từ những gian dối có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong 2 văn bản do bà Hiền cung cấp, dẫn đến 2 cấp tòa ra 2 bản án không khách quan. Do đó, vợ chồng ông Hùng gửi đơn tố cáo CCV Lê Văn An (Phòng công chứng số 1 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và Đoàn Huy Quỳnh (Văn phòng Công chứng Thắng Nhất). Đồng thời gửi đơn lên TAND Cấp cao và Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh để xin xét xử giám đốc thẩm.
Người bị bệnh Alzheimer’s không thể nhận thức Cụ Đỗ Nguyệt Nga (90 tuổi, ngụ TP Hà Nội), nguyên là bác sỹ Phòng Giám định Bệnh viện Việt Nam-Cu Ba, khẳng định: “Khi bà Xuân bị đột quỵ nằm liệt giường vào cuối năm 2001, tôi có vào miền Nam thăm. Bà Xuân chỉ nằm 1 chỗ, và còn bị bệnh Alzheimer’s. Đối với người già bị bệnh Alzheimer’s, lại không biết đọc thì làm sao nhớ từng số ngày, tháng trong các giấy tờ nhà, đất để mà ký”. Nhân chứng Nguyễn Mạnh Thắng (con của cụ Nga), từng được cụ Xuân cho sống chung nhà, sau đó mua đất của cụ để xây nhà sát bên, khai: “Khi về nhà tôi thấy anh Khoa là con bà Hiền, anh Lâm (Nhân viên Phòng công chứng số 1), không có ông An. Tôi hỏi 2 người này vào nhà có việc gì, họ trả lời qua loa rồi vội vã về. Khi vào nhà, tôi thấy cụ Xuân đang nằm trên giường bệnh, đầu ngón tay có dấu mực. Tôi hỏi nhưng cụ không nói gì, biểu lộ thái độ vô cảm vì không biết gì về những sự việc vừa xảy ra. Do đó có thể khẳng định lời chứng của CCV Lê Văn An trong “Tờ di chúc” là sai sự thật”. |