“Ưu ái” quyền bán tài sản
Công ty Thiên Phú thế chấp tài sản theo hợp đồng 6220-LAV-200300/TC ngày 15/3/2011 tại Agribank Chợ Lớn gồm quyền sử dụng 176.045,9 m2 đất nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất tại Dự án KDC Mỹ Phước 4, và 287.260,6 m2 nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất tại KDC Cầu Đò.
Tại hợp đồng 6220-LAV-200300/TC, Công ty Thiên Phú còn thế chấp 243.912 m2 đất nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất tại KDC Hòa Lân để đảm bảo hợp đồng tín dụng 53.019/HĐTD ngày 01/7/2003, và hợp đồng tín dụng 28.0307/HĐTD ngày 26/3/2007.
Agribank Chợ Lớn còn ký với Công ty Thiên Phú hợp đồng 6220-LAV-11301/TC ngày 15/3/2011 nhận thế chấp 179.872,6m2 đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất tại KDC Mỹ Phước 4, và 178.359,5 m2 đất của KDC Cầu Đò. Cùng ngày, hai bên cũng ký tiếp hợp đồng 6220-LAV-201100301/TC thế chấp 246.853,1 m2 nhà nước giao đất không thu tiền tiền sử dụng đất. Các hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất nhà nước giao đất không thu tiền tiền sử dụng đất đều không được công chứng tại cơ quan công chứng có thẩm quyền.
Do biến động thị trường, ảnh hưởng khả năng thanh toán, Công ty Thiên Phú đồng ý để Agribank Chợ Lớn bán đấu giá tài sản thế chấp thu hồi nợ.
Dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong đấu giá Khu dân cư Hòa Lân của Công ty Thiên Phú
Ngày 12/6/2014, Công ty Thiên Phú và Agribank Chợ Lớn ký biên bản thỏa thuận về việc xử lý tài sản bảo đảm tại Dự án KDC Mỹ Phước 4 và KDC Cầu Đò; ngày 17/4/2015, hai bên ký tiếp thỏa thuận xử lý tài sản tại Dự án KDC Hòa Lân.
Ngày 18/6/2014 Công ty CP dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn (Công ty Nam Sài Gòn) có địa chỉ tại số 150 đường số 9, KP1, P. Tân Phú, Q.7, TP Hồ Chí Minh, được Agribank Chợ Lớn giao bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất của DA KDC Mỹ Phước 4 theo hợp đồng 11/2004/ĐGNSG. Ngày 22/10/2014, Agribank Chợ Lớn ký tiếp hợp đồng 16/2014/ĐGNSG giao Công ty Công ty Nam Sài Gòn bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất của DA KDC Cầu Đò. Ngày 17/6/2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng 10/2015/ĐGNSG giao Công ty Công ty Nam Sài Gòn, bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất thuộc dự án KDC Hòa Lân (đấu giá cả phần đất nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất).
Với chiêu trò “làm xiếc” cố tình kéo dài vụ đấu giá thành nhiều phiên để thỏa thuận với Agribank Chợ Lớn giảm giá tài sản bán đấu giá; Công ty Nam Sài Gòn còn bằng mọi cách loại các nhà đầu tư (đủ năng lực tài chính) tham gia, để cuối cùng tìm thấy người trúng đấu giá (không đủ năng lực tài chính) tại DA KDC Mỹ Phước 4, KDC Cầu Đò là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Thuận Lợi, do ông Nguyễn Thuận làm giám đốc.
Tương tự, người trúng đấu giá (cũng không đủ năng lực tài chính) tại Dự án KDC Hòa Lân là Công ty Địa ốc Kim Oanh, do bà Đặng thị Kim Oanh, vợ ông Nguyễn Thuận, làm giám đốc.
Cả Công ty Thuận Lợi và Công ty Địa ốc Kim Oanh đấu giá trúng các tài sản này rẻ hơn giá khởi điểm so các chứng thư thẩm định hàng trăm tỷ đồng.
Nam Sài Gòn là ai?
Công ty Nam Sài Gòn là ai mà được Agribank Chợ Lớn “ưu ái” chỉ định tổ chức bán đấu giá tài sản cả 3 dự án của Công ty Thiên Phú.
Theo xác minh, Công ty đấu giá Nam Sài Gòn do ông Nguyễn Việt Hưng là cổ đông sáng lập và chiếm 76% vốn điều lệ. Lúc thành lập Công ty đấu giá Nam Sài Gòn và khi công ty này thực hiện các “phi vụ” đấu giá tài sản của Công ty Thiên Phú thì ông Hưng đang đương chức Trưởng phòng pháp chế, thành viên Hội đồng tín dụng, Ủy viên Hội đồng xử lý tài sản tại Agribank Chợ Lớn, Trưởng phòng giao dịch Đông Chợ lớn - Agribank Chợ Lớn.
Để đạt mục đích “liên minh” thâu tóm tài sản của Công ty Thiên Phú, Agribank Chợ Lớn đã chỉ định Công ty đấu giá Nam Sài Gòn tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty Thiên Phú.
Theo thông tin, Công ty Nam Sài gòn từ ngày được thành lập, chỉ để bán đấu giá các tài sản của Công ty Thiên Phú. Sau các “phi vụ” này, Công ty Nam Sài Gòn cũng dừng hoạt động.
Yếu tố “sân sau” này liệu đã đủ khẳng định sự ra đời của Công ty Nam Sài Gòn, và việc Agribank Chợ lớn chỉ định công ty này bán đấu giá tài sản tại các dự án của Công ty Thiên Phú là trái quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, vi phạm Luật doanh nghiệp, vi phạm quy định của Đảng…
Cụ thể, hành vi coi thường pháp luật này đã vi phạm nghiêm trọng điểm d khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 “Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các doanh nghiệp nhà nước, không được quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
Mặt khác, ông Nguyễn Việt Hưng còn là em vợ của giám đốc Agribank Chợ Lớn Phạm Đăng Bộ. Theo đó, việc thành lập “liên minh” vừa đá bóng vừa thổi còi của Agribank Chợ Lớn còn vi phạm Điều 1 trong 19 điều Đảng viên không được làm là “Làm những việc mà pháp luật không cho phép”, và Điều 8 của Quy định này là “… Có hành vi để bố, mẹ, vợ (chồng), con, anh, chị, em ruột thực hiện dự án, kinh doanh các ngành nghề thuộc lĩnh vực hoặc đơn vị do mình trực tiếp phụ trách trái quy định”.
Như vậy, Công ty Nam Sài Gòn đã được thành lập bởi cá nhân bị Luật cấm không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp. Do vậy, Công ty Nam Sài Gòn không thỏa mãn điều kiện để kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật. Nói cách khác là Công ty Nam Sài Gòn hoạt động kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản bất hợp pháp.
Tổng diện tích của 3 Dự án KDC Mỹ Phước 4, Cầu Đò, và Hòa Lân là 1.312.304 m2 đất, số tiền thu được qua đấu giá chỉ là 1.662.000.000.000 đồng, nhưng đến ngày 28/6/2018 Công ty Thiên Phú vẫn bị Agribank Chợ Lớn yêu cầu trả nợ 2.056.500.574.378 đồng. Các hành vi này lý giải vì sao Công ty Thiên Phú dễ dàng bị thâu tóm hết toàn bộ các Dự án KDC Mỹ Phước 4, Cầu Đò, và Hòa Lân với giá rẻ mạt.
Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc để sớm chỉ ra nhóm lợi ích này. Có vậy mới đảm bảo thu hồi đúng, đủ tài sản nhà nước, và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bên bị bán tài sản.
Ngày 29/10/2010, NHNN ban hành Thông tư 22/2010/TT-NHNN về huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng, hiệu lực từ ngày 29/10/2010. Về nguyên tắc Agribank Chợ Lớn phải quy đổi dư nợ vàng ra tiền đồng trong hợp đồng tín dụng của Công ty Thiên phú. Thế nhưng, sau ngày 29/10/2010 Agribank Chợ Lớn vẫn lập các phụ lục duy trì cho Thiên Phú vay bằng vàng đến 31/12/2013. Hành vi này đã gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú hơn 198 tỷ đồng. Kết luận thanh tra số 3117/KL-TTCP ngày 24/12/2013 của Thanh tra Chính phủ, chỉ ra đây là vụ việc có dấu hiệu cấu thành ”Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng“ theo Điều 179 Bộ luật Hình sự 2009. Thời điểm này ông Phạm Đăng Bộ làm giám đốc Agribank Chợ Lớn. Ai và những ai nữa phải chịu trách nhiệm cho hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự này? |