Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, ở Hà Nội, xe đạp hình như đang rộ lên như mốt mới trong giới có thu nhập cao khi dùng xe đạp cho hoạt động thể thao, giải trí.
“Bản thân tôi vẫn đi xe đạp đi làm”, ông Hùng cho biết.
Ông Hùng cho biết những năm 1990 Việt Nam là thiên đường của xe đạp, nhưng thách thức lớn nhất để phục hưng xe đạp ở Hà Nội và các đô thị đó chính là xe máy. Bởi vì xe máy tiện dụng, tiếp cận rất cao, đi được nhanh và xa hơn xe đạp. Bên cạnh đó, có vẻ nhiều người xem sở hữu, đi ôtô như biểu tượng của sự thịnh vượng.
Tuy nhiên TS. Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị - cho rằng khuyến khích đi xe đạp là ý tưởng tốt nhưng điều kiện hạ tầng dành cho xe đạp hết sức khó khăn.
Các nước Hà Lan, Nhật Bản dành làn đường riêng cho xe đạp nhưng ở Hà Nội xe đạp đi lẫn xe máy tốc độ cao nên rất dễ xảy ra tai nạn. Những năm 1980, Hà Nội có 1,5 triệu xe đạp nhưng bây giờ đặt xe đạp là phương tiện chống ô nhiễm, phương tiện thể thao đối với người Việt Nam có quá sớm không khi xe máy vẫn chiếm ưu thế hơn về tốc độ, khả năng chở hàng hóa?
Ông Thủy cho rằng xe đạp khó cạnh tranh nên chỉ xem là phương tiện phụ trợ để kết nối với giao thông công cộng chứ không phải thay thế xe máy.
Ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội - cho rằng đi xe đạp ở Hà Nội là nguy hiểm nhất.
“Nên quan niệm xe đạp là gia vị của giao thông công cộng chứ không thể quay lại như thời điểm những năm 1980-1990. Hiện nay không có phương tiện nào đi lại gặp nhiều nguy hiểm như xe đạp tại Hà Nội vì không có đường để đi. Nên nghiên cứu phát triển, sử dụng xe đạp ở vị trí nào, khung giờ nào cho phù hợp. Chúng tôi có quan điểm dành vị trí ở ga đầu, ga cuối đường sắt đô thị để hỗ trợ xe đạp” - ông Trường cho biết.
|