Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) triển khai việc tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc Tân Sơn Nhất từ ngày 20/4 vừa qua.
Tuy nhiên, việc triển khai của Vietjet Air còn nhiều bất cập dẫn đến phần lớn các chuyến bay trong các ngày 20 - 21/4 bị chậm, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của ngành hàng không và gây bức xúc cho hành khách.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Uông Việt Dũng lý giải, việc nhiều chuyến bay tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất phải thay đổi giờ bay, chậm kéo dài do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, quá trình tiếp quản công tác thực hiện dịch vụ mặt đất của Vietjet Air sau khi chấm dứt hợp đồng với Công ty Cổ phần Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) đã khiến việc thực hiện các công tác phục vụ hành khách ban đầu gặp khó khăn.
Trong khi đó, những ngày qua, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất tiếp tục điều chỉnh kế hoạch tiếp nhận tàu bay phục vụ công tác huấn luyện, chuẩn bị cho đại lễ 30/4 - 1/5. Do đó, một số chuyến bay phải điều chỉnh khai thác, kéo theo chuyến khác cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thời tiết xấu tại khu vực sân bay Nội Bài trong chiều 21/4, một số chuyến bay của Vietjet Air đến và đi từ sân bay này đã phải điều chỉnh kế hoạch khai thác.
“Để giải quyết vấn đề này, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet bố trí đầy đủ nhân lực, đặc biệt là nhân viên phục vụ hành khách và hành lý, trang thiết bị phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo phương án đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt”, Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Cục cũng cho biết đã yêu cầu Vietjet Air xây dựng, triển khai ngay phương án phối hợp với các đơn vị cung cấp phục vụ mặt đất khác tại sân bay Tân Sơn Nhất để bảo đảm phục vụ các chuyến bay của Vietjet Air theo kế hoạch khai thác đã công bố.
Hãng hàng không này cũng phải rà soát lại kế hoạch khai thác, thời gian quay đầu tàu bay, thời gian phục vụ mặt đất tại sân bay Tân Sơn Nhất phù hợp với năng lực tự phục vụ của hãng cũng như thực hiện nghiêm quy định liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ của người vận chuyển đối với hành khách trong trường hợp chuyến bay bị chậm, hủy, chậm kéo dài.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Vietjet Air bảo đảm và duy trì tính ổn định công tác phục vụ mặt đất của hãng tại sân bay Nội Bài trong trường hợp điều chuyển nhân sự nội bộ; đồng thời bổ sung nhân lực và tăng cường công tác đào tạo, huấn luyện cho nhân viên phục vụ mặt đất trên toàn hệ thống; thực hiện đúng, đủ, thỏa đáng các chế độ, chính sách đối với người lao động đặc biệt là nhân viên phục vụ mặt đất, nhân viên tuyến đầu trong công tác phục vụ hành khách.
Cục trưởng Uông Việt Dũng yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Nam cùng các đơn vị hỗ trợ hãng hàng không trong quá trình chuyển giao để đảm bảo khai thác hiệu quả, phục vụ người dân di chuyển qua sân bay Tân Sơn Nhất.