Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang rất cần nguồn vốn để sản xuất, nhất là các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị và ứng dụng công nghệ mới nhằm tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất.
Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã triển khai gói vay 10.000 tỷ đồng cho chương trình đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (CN&CNHT) trên địa bàn thành phố dành cho đối tượng vay vốn là chủ đầu tư của các dự án thuộc Danh mục các Dự án lĩnh vực CN&CNHT được hỗ trợ lãi suất.
Nguồn vốn cho doanh nghiệp CNHT đã mở, nhưng cần phải có những chính sách cụ thể, hợp lý đối với từng nhóm ngành nghề của doanh nghiệp CNHT. |
Mục đích nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nội địa đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại, sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tạo ra giá trị sản phẩm gia tăng, thúc đẩy phát triển mạnh các ngành CN & CNHT.
Chương trình này có sự hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách TP Hồ Chí Minh, áp dụng cho các dự án đáp ứng đủ điều kiện và được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt hỗ trợ lãi suất với mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% phần vốn công nghệ và thiết bị, đồng thời không quá 200 tỷ đồng cho một dự án.
Vốn vay từng là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp nội trong lĩnh vực CNHT nay đã được mở ra. Tuy nhiên, vẫn còn đó mối băn khoăn của các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn vay cùng nhiều nỗi lo khác.
Ông Nguyễn Đình Thanh - GĐ một doanh nghiệp ở quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tài sản thế chấp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT sẽ là những tài sản nào. Ngoài nhà xưởng, máy móc, công cụ được hình thành từ vốn vay thì các doanh nghiệp cần phải có các loại tài sản nào phải thế chấp nữa hay không, và nếu như có thì tỷ lệ đó là bao nhiêu phần trăm trong tổng vốn vay”.
Mặt khác, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT hiện không chỉ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn mà còn đối mặt thách thức từ nguồn nhân lực. Ngay cả trong Quyết định số 15/2017/QĐ-UBND ngày 16/3/2017 của UBND TP HCM quy định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và CNHT, tuy đã mở ra cánh cửa về vốn nhưng nguồn lực về “chất xám” của doanh nghiệp vừa và nhỏ lại đang rất thiếu.
“Hiện nay, đang có xu hướng dịch chuyển lao động, nhất là các lao động công nghệ cao, có tay nghề, có kinh nghiệm quản lý từ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ sang các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều đó, đã làm các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực CNHT đang rất khó khăn trong vấn đề nhân lực chất lượng cao”, ông Nguyễn Viết Toàn, cho biết thêm.
Được biết, đầu tháng 4/2017, trong quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT mà Thủ tướng Chính phủ ban hành, có nêu rõ mức hỗ trợ tối đa 70% áp dụng các nội dung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuấn - GĐ một doanh nghiệp về đúc gang - thép ở TP Hồ Chí Minh, bày tỏ: “Ngành hàng phụ trợ khá vất vả, muốn sản xuất hàng có chất lượng thì thời gian chuẩn bị sản xuất rất dài. Ngành đúc để sản xuất cho xuất khẩu rất là khó nên khi vay vốn để đầu tư thì thời gian ân hạn cần dài hơn vì thiết bị ngành đúc hiện giờ để làm được hàng chất lượng cao thì chi phí rất cao”.
Xem ra, bài toán về nguồn vốn cho doanh nghiệp CNHT đã mở, nhưng để nguồn vốn thực sự đến được với doanh nghiệp và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển cần phải có những chính sách cụ thể, hợp lý đối với từng nhóm ngành nghề của doanh nghiệp CNHT.