Trong báo cáo thường niên 2016, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Mai Linh đã trực tiếp công kích Grab và Uber là đối thủ gây làm cho tập đoàn này làm ăn khó khăn.
Ông Huy cho rằng: “Năm 2016, là một năm cực kỳ khó khăn: Uber, Grab hoạt động tràn lan, nhất là ở hai thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội khiến thị trường taxi cạnh tranh khốc liệt, trong đó sự bất bình đẳng về thuế và các điều kiện kinh doanh khác đã gây thiệt hại lớn về doanh thu cho Mai Linh cũng như các hãng taxi truyền thống”.
Để lấy lại thị phần cho taxi truyền thống, Chủ tịch Mai Linh đã mạnh mẽ thể hiện một tầm nhìn mới, một quyết tâm mới “đẳng cấp” hơn hẳn. Đó là thống nhất 3 miền, tiến đến niêm yết trên sàn chứng khoán nước ngoài.
Ông Hồ Huy viết:
“Thời gian tới chúng ta cũng sẽ thực hiện sáp nhập công ty ở ba miền Bắc – Trung - Nam, thống nhất Một Mai Linh về quản lý, chất lượng, kiểm soát và tiến tới mời đơn vị tư vấn đánh giá để niêm yết lên sàn chứng khoán nước ngoài”.
Đây là một mục tiêu rất lớn. Những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như Vietjet Air, Vinamilk, Mía đường Thành Thành Công, Petrolimex… đã từng hướng tới nhưng vẫn còn chưa thực hiện được, cho nên việc Mai Linh đặt ra kế hoạch này đã thể hiện một khát vọng “lột xác” quyết liệt.
Tuy nhiên, Mai Linh có “lột xác” được không, khi mà doanh nghiệp còn chưa đủ chuẩn để niêm yết tại sàn giao dịch chính thức của thị trường chứng khoán Việt Nam?
Xét một chỉ tiêu là lỗ lũy kế, theo BCTC kiểm toán 2016, tính đến cuối năm 2016, Mai Linh vẫn đang lỗ lũy kế 804 tỷ đồng – bằng 80% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Chỉ riêng việc lỗ lũy kế đã khiến cho hãng taxi này không đủ điều kiện niêm yết trên sàn nào của TTCK Việt Nam.
Trong khi đó, năm 2017 mục tiêu lợi nhuận của Mai Linh cũng chỉ có 68 tỷ đồng, một khoản lãi như muối bỏ bể đối với khoản lỗ nói trên. Để giải quyết khoản lỗ lũy kế, có lẽ Mai Linh cần nhiều giải pháp tài chính khác chứ không thể chỉ dựa vào hoạt động kinh doanh chính.
Về kết quả kinh doanh, sau 4 năm liên tiếp chứng kiến doanh thu giảm và đi ngang, doanh thu hợp nhất năm 2016 của Mai Linh Group bất ngờ tăng trưởng 32% lên 3.730 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử nhờ đẩy mạnh đầu tư xe trên phạm vi cả nước.
Thế nhưng lợi nhuận gộp không những không tăng mà còn giảm nhẹ. Trong khi đó, các chi phí tiếp tục đội lên khiến cho công ty bị lỗ hơn 84 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính. Nhờ khoản lợi nhuận khác – chủ yếu là lợi nhuận từ thanh lý xe cũ – Mai Linh vẫn đạt 61 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 100 tỷ so với năm 2015 và chỉ hoàn thành 52% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 43 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, những vấn đề cũ như các khoản nợ, trong đó có nợ bảo hiểm xã hội vẫn đang chờ Mai Linh giải quyết.
Báo cáo thường niên của công ty vạch ra phương hướng cho năm 2017 với việc triển khai mô hình tài chính tập trung cả hệ thống để kiểm soát chặt chẽ dòng tiền; Thực hiện việc đầu tư, mua sắm tập trung nhằm đảm bảo chất lượng bảo dưỡng sửa chữa và chi phí bảo dưỡng định kỳ. Cắt giảm chi phí gián tiếp, tối ưu hóa chi phí tài chính làm cơ sở giảm giá thành dịch vụ. Cơ cấu lại nguồn vốn kinh doanh bao gồm cả nguồn vốn lưu động, nguồn vốn trung dài hạn và nguồn vốn đầu tư phương tiện mới, xây dựng lịch thanh toán các khoản nợ cũ cho nhà đầu tư bên ngoài, nhà cung cấp, nợ bảo hiểm xã hội, nợ thuế, “Khơi thông dòng chảy” nguồn vốn giữa đơn vị thành viên/miền và MLG, tạo sức mạnh cho cả hệ thống Mai Linh đặc biệt là vấn đề doanh số và công nợ MCC của các đơn vị tại địa phương.
Kinh doanh sa sút, Chủ tịch Mai Linh 'đổ lỗi' cho Grab và Uber (Tieudung24h.vn) - Chỉ trong một thời gian ngắn Grab và Uber dần chiếm lĩnh thị trường vận tải đô thị, làm cho các hãng Taxi truyền thống như Mai Linh,Vinasun làm ăn sa sút. |