Mới đây, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã ra thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Bamboo Airways.
Quyết định nêu rõ lý do tạm hoãn xuất cảnh vì ông Lương Hoài Nam là người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Hàng không Việt (Bamboo Airways) - doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế do chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Thời gian tạm hoãn xuất cảnh bắt đầu từ ngày 11/9/2024 đến ngày Bamboo Airways hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách.
Liên quan đến vấn đề này, đến chiều 17/9 phía Bamboo Airways vẫn chưa đưa ra bất cứ thông tin chính thức nào.
Tổng Giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam bị tạm hoãn xuất cảnh
Trước ông Lương Hoài Nam, nhiều chủ doanh nghiệp khác cũng bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp nợ thuế. Điển hình như trường hợp ông Lê Huy Bình - Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thương mại Hóa chất Hải Đăng bị tạm hoãn xuất cảnh vì doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế 977,2 triệu đồng tiền thuế.
Hay như trường hợp, Chi cục Hải quan Cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực IV cũng thông báo về việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Hữu Huỳnh - Giám đốc, đại diện pháp luật chi nhánh Công ty TNHH công nghệ thực phẩm An Thái, vì doanh nghiệp này nợ gần 290 triệu đồng tiền thuế.
Cũng với việc bị cưỡng chế hơn 10,2 triệu đồng tiền thuế, ông Trần Tô Quyền - Giám đốc, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Ngọc Diệu bị tạm hoãn xuất cảnh.
Mới đây, Chi cục Thuế khu vực Biên Hòa - Vĩnh Cửu, thuộc Cục Thuế tỉnh Đồng Nai thông báo về việc đề nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tạm hoãn xuất cảnh đối với 64 cá nhân là đại diện pháp luật của các doanh nghiệp nợ thuế.
Trước đó, tháng 10/2023, Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè trực thuộc Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấm xuất cảnh đối 11 cá nhân là đại diện pháp luật của 11 doanh nghiệp nợ thuế.
Trên thực tế, bảo đảm nguồn thu ngân sách là nhiệm vụ hàng đầu của ngành thuế, tuy nhiên, dư luận và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, thời gian gần đây ngành thuế có vẻ làm "quá tay" biện pháp này, khi có hàng nghìn cá nhân, đại diện doanh nghiệp bị đưa vào diện cấm xuất cảnh do thuế. Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2024, thông tin tạm hoãn xuất cảnh nhiều giám đốc doanh nghiệp nợ thuế ngày càng nhiều. Thậm chí không ít giám đốc các doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh chỉ vì nợ thuế từ vài trăm nghìn đồng, vài triệu đồng.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Lê Thu Thảo - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, theo quy định về tạm hoãn xuất cảnh thực hiện theo quy định tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14, người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh, nhập cảnh về cá nhân, người nộp thuế.
Trước khi có thông báo cho cơ quan quản lý xuất cảnh thì cơ quan thuế đã có thông báo nợ thuế, tiến hành các biện pháp cưỡng chế. Theo quy định, chỉ cần nợ thuế cho dù số nợ ít hay nhiều vẫn bị tạm hoãn xuất cảnh.
“Đúng theo Luật quản lý thuế thì không quy định mức nợ thuế, người nợ thuế vài trăm nghìn đồng hay vài tỷ đồng đều là nợ thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế cũng cần rà soát lại những trường hợp nợ thuế ít để có thể xem xét lại doanh nghiệp đã nhận được thông báo cưỡng chế nợ thuế cũng như thông báo tạm hoãn xuất cảnh hay chưa, tránh để doanh nghiệp bị ảnh hưởng quyền lợi không đáng có. Đồng thời, bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động tra cứu tình hình nợ thuế của doanh nghiệp trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế” - luật sư Thảo phân tích.
Đồng quan điểm, Giám đốc một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh (xin không nêu tên) nhấn mạnh, luật pháp phải được thực thi trên cơ sở tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, không nên cứng nhắc, gây tổn thất cho doanh nghiệp và người dân: "Mục đích cuối cùng của các chế tài là làm sao thu được số tiền nợ về cho ngân sách Nhà nước. Nhưng trong thực thi, cần đặt vấn đề cơ quan Nhà nước đã làm hết trách nhiệm, thông báo và thực hiện các biện pháp cưỡng chế trước đó đối với người nộp thuế hay chưa. Sẽ rất khó thuyết phục khi một doanh nghiệp nợ vài triệu đồng tiền thuế mà để lãnh đạo công ty đó bị hoãn xuất cảnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế vốn đã và đang khó khăn sau đại dịch Covid-19" - vị này nói.
Cuối tháng 10/2023, ông Lương Hoài Nam được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Bamboo Airways. Ông Lương Hoài Nam là Tiến sĩ hàng không tại Nga, có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hàng không – du lịch. CEO Bamboo Airways từng đảm nhiệm các vị trí quản lý, điều hành cấp cao ở nhiều hãng hàng không lớn, kể như: Trưởng ban Kế hoạch thị trường & Tổng biên tập Tạp chí Heritage của Vietnam Airlines, Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng không Hải Âu, Phó Tổng giám đốc Công ty Hàng không Lưỡng dụng Ngôi Sao Việt. Ngoài ra, ông Nam từng làm Phó Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Nam Long. Theo Bamboo Airways, việc bổ nhiệm ông Lương Hoài Nam là bước tiến mới nhất trong tiến trình tái cấu trúc toàn diện, hướng tới ổn định hoạt động, thu hút nguồn lực đầu tư chất lượng và tạo cơ hội phát triển trong trung hạn. Về tình hình tài chính, năm 2023, Bamboo Airways báo lãi sau thuế 236,8 tỷ đồng, một sự cải thiện đáng kể sau khoản lỗ gần 19.800 tỷ đồng của năm 2022. Tổng nợ phải trả của Bamboo Airways cũng đã giảm khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways Phan Đình Tuệ chia sẻ về mục tiêu doanh thu của hãng năm nay, ước tính đạt 4.857 tỷ đồng, trong khi mức lỗ dự kiến giảm còn 1.387 tỷ đồng. |