Theo nội dung vụ việc, ngày 23/4/2018 Tập đoàn Nam Cường (Trụ sở tại Khu đô thị mới Hòa Vượng, xã Lộc Hòa, TP Nam Định, tỉnh Nam Định), mời bà Phạm Thị Thùy Dương (SN 1977, ngụ quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) về làm việc với vị trí trợ lý Chủ tịch HĐQT, thời gian thử thách từ 15/5/2018 đến 14/7/2018. Tiền lương và phụ cấp: Thời gian thử thách 128 triệu đồng (100% mức thu nhập chính thức); Thời gian chính thức được hưởng lương là 128 đồng (Trong đó tiền BHXH là 7.757.000 đồng).
Sau khi bà Dương vào làm việc tại Tập đoàn Nam Cường, hai bên ký HĐLĐ số 554/2018/HĐLĐ-NCHN với thời hạn hiệu lực từ ngày 15/5/2018 đến 14/5/2019; Quyết định 138/QĐNS-NCHN của HĐQT Tập đoàn Nam Cường ngày 15/5/2018 về việc tuyển dụng thử thách bà Phạm Thị Thùy Dương – Trợ lý Chủ tịch HĐQT; HĐLĐ số 554/2019/HĐLĐ-NCHN có thời hạn hiệu lực từ ngày 15/5/2019 đến 14/5/2020 với chức danh chuyên môn phụ trách Ban Pháp chế.
Sau khi TAND quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) hoãn vụ kiện của bà Dương đối với Tập đoàn Nam Cường. Bà Dương làm đơn tố giác tội phạm đối với tập đoàn này.
Ngày 29/10/2019, Tập đoàn Nam Cường buộc bà Dương sang phụ trách Ban Kiểm soát nhưng bà không đồng ý, nên sa thải bà Dương tại vị trí phụ trách Ban Pháp chế. Do đó bà Dương gửi đơn kiện quyết định sa thải đến TAND quận Thanh Xuân và toàn án thụ lý vụ kiện vào ngày 3/1/2020.
Bà Dương khẳng định sau khi bị sa thải trái pháp luật, bà chưa nhận được bất kỳ một thông báo nào của Tập đoàn Nam Cường về việc giải quyết các chế độ liên quan đến các quyền lợi của bà. Cụ thể là hồ sơ tất toán hồ sơ bảo hiểm các loại, như: BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, công đoàn phí…, nên bà chưa thể làm thủ tục khai báo và hưởng chế độ, mà nhất là BHTN theo quy định pháp luật.
“Nếu có làm thủ tục BHTN, tôi cũng không được hưởng chế độ theo đúng mức lương thực tế mà tôi đã được trả trong suốt thời gian làm việc tại Tập doàn Nam Cường do sự gian lận, trốn nghĩa vụ bảo hiểm của Tập đoàn này”, bà Dương, bất bình nói. Cũng theo bà Thùy Dương, sau khi bà khiếu nại tố cáo, giữa bà với Tập đoàn Nam Cường có nhiều thư từ qua lại trên hộp thư điện tử, thì tập đoàn này đã thực hiện nhiều hành vi xúc phạm bà Dương. Từ đó, bà Dương không thể đi xin việc làm ở chỗ khác.
Ngày 28/6, TAND quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) đưa vụ kiện của bà Dương đối với Tập đoàn Nam Cường ra xét xử, tuy nhiên sau đó phiên tòa bị hoãn để xác minh thêm nội dung sự việc.
Trước thiệt hại của bản thân, bà Dương xác minh phát hiện Tập đoàn Nam Cường có nhiều sai phạm nên gửi đơn tố giác tội phạm đối với tập đoàn này đã có hành vi gian lận và trốn đóng BHXH đối với bà Dương cùng nhiều NLĐ khác, đến Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định.
Giấy mời bà Thùy Dương của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định
Tại buổi làm việc với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nam Định, bà Dương đưa vấn đề trách nhiệm của Tập đoàn Nam Cường khi ký HĐLĐ và thư mời làm việc xác nhận tiền lương đóng BHXH chỉ hơn 7,7 triệu đồng, trong khi tổng thu nhập của bà hơn 128 triệu đồng. Tập đoàn Nam Cường khẳng định bảng lương ký theo HĐLĐ phải theo bảng lương chung của tập đoàn, không liên quan đến tổng thu nhập nên mức lương trên HĐLĐ không ghi theo tổng thu nhập. NLĐ không đóng phần nào thì đóng bù phần đó, phần Tập đoàn Nam Cường trốn đóng và gian lận BHXH của NLĐ đã đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, Tập đoàn Nam Cường còn có hành vi quyết toán thuế TNCN của bà Dương ở Nam Định nhưng lại nộp BHXH ở quận Hà Đông (TP Hà Nội), trong khi HĐLĐ bà Dương chỉ ký với Tập đoàn (Trụ sở chính tại tỉnh Nam Định), đã cho thấy sự tinh vi có tổ chức của tập đoàn này trong việc tách thủ tục quyết toán thuế TNCN và đóng BHXH thực hiện tại 2 tỉnh/thành phố khác nhau để tránh bị lộ hành vi gian lận.
“Tôi không ký HĐLĐ với chi nhánh của Tập đoàn Nam Cường tại Hà Đông nhưng BHXH của tôi nộp ở Hà Đông cho thấy hồ sơ kê khai và đăng ký BHXH của tôi tại Hà Đông có dấu hiệu gian lận, làm giả hồ sơ. Vì luật quy định phải đăng ký và nộp BHXH cho NLĐ tại địa bàn nơi doanh nghiệp có trụ sở chính. Quá trình 16 tháng tôi làm việc ở tập đoàn này hưởng lương theo mức nêu tại thư mời làm việc (128,2 triệu đồng) chứ không phải mức nêu tại HĐLĐ (7,7 triệu đồng), cho thấy HĐLĐ đã ký giữa tập đoàn này với tôi chỉ là HĐLĐ để đóng BHXH ở mức thấp hơn rất nhiều so với thực tế và hợp pháp hoá hành vi trốn tránh, gian lận đóng BHXH của Tập đoàn Nam Cường. Bởi lẽ, thu nhập thực tế của tôi (128,2 triệu đồng) đều được quyết toán hợp lệ tại Cơ quan Thuế tỉnh Nam Định, có sao kê Ngân hàng Quân đội và có thông báo lương hàng tháng của Tập đoàn Nam Cường. Đây là khoản thu nhập thực tế phát sinh đều đặn không thể phủ nhận”, bà Dương khẳng định tại buổi làm việc với cơ quan công an.
Đơn khởi kiện của bà Thùy Dương yêu cầu TAND quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) tuyên buộc Tập đoàn Nam Cường phải bồi thường cho bà hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, tuyên buộc phải hủy bỏ quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật ngày 27/11/2019 đối với bà Dương; Gửi văn bản đính chính, xin lỗi bà Dương đến tất cả những nơi mà Tập đoàn Nam Cường đã gửi quyết định sa thải bà Dương… Ngoài việc bồi thường, chi trả các khoản tính toán cụ thể như trên, bà Dương còn yêu cầu Tập đoàn Nam Cường phải hoàn thành các thủ tục chấm dứt HĐLĐ và thực hiện thủ tục kê khai, quyết toán thuế TNCN cho bà theo quy định pháp luật tới thời điểm kết thúc HĐLĐ. Đồng thời, buộc Tập đoàn Nam Cường phải chốt sổ BHXH theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, trả lại sổ BHXH đã chốt đúng pháp luật cho bà Dương. Ngoài ra phải thanh toán, bồi hoàn, bồi thường cho bà Dương các khoản tiền phát sinh do hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Nam Cường gây ra, gồm: Thanh toán toàn bộ số tiền lương cho thời gian phải ngừng việc, nộp BHXH, BHYT, BHTN, công đoàn phí theo đúng quy định pháp luật và trả lãi… |