Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan vừa công bố nghị quyết phát hành 30 triệu trái phiếu có kỳ hạn 3 năm. Tổng khối lượng huy động là 3.000 tỷ đồng. Lãi suất năm đầu tiên là 9,3%/năm và lãi suất cho mỗi 6 tháng tiếp theo là trung bình cộng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Agribank cộng với 2,5%/năm.
Theo nghị quyết mới được công bố của Masan, Chủ tịch kiêm CEO Masan Nguyễn Đăng Quang trực tiếp đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của công ty VCM và VinCommerce. |
Đây là đợt đầu tiên trong 4 đợt phát hành trái phiếu với tổng khối lượng trị giá 10.000 tỷ đồng của Tập đoàn Masan dự kiến diễn ra trong năm nay.
Toàn bộ số tiền thu được từ việc chào bán trái phiếu sẽ được Tập đoàn Masan góp thêm vào vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (5.000 tỷ đồng); cấp khoản vay cho Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (3.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam (1.000 tỷ đồng); thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (1.000 tỷ đồng).
Trong đợt phát hành lần này, Tập đoàn Masan đồng thời công bố bản cáo bạch doanh nghiệp, qua đó tiết lộ vai trò mới của Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Masan Nguyễn Đăng Quang.
Ngoài các vị trí lãnh đạo tại Masan, Masan Consumer và Ngân hàng Techcombank, ông Quang đã trực tiếp đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM và Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce từ tháng 12 sau thương vụ nhận sáp nhập hệ thống Vinmart, VinEco từ Vingroup.
Trước đó, những ngày đầu tháng 12/2019, thị trường xôn xao bởi thông tin về vụ sáp nhập giữa hai công ty con của Vingroup (HOSE: VIC) và Masan (HOSE: MSN); theo đó Công ty Dịch vụ thương mại tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp), Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập một tập đoàn hàng tiêu dùng, bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
Chỉ chưa đầy một tuần sau khi công bố thông tin, hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ đã có thông báo gửi tới các nhà cung cấp về việc từ ngày 9-12/12/2019 sẽ tạm ngưng nhập hàng (trừ hàng tươi sống) để kiểm kê, theo đúng quy định sau khi sáp nhập với Masan.
Những lợi ích của các bên đã được nói đến khá nhiều kể từ khi thông tin được công bố, tựu trung là về phía VIC có thể “rảnh tay” hơn để tập trung phát triển các lĩnh vực khác như sản xuất và công nghệ, được xem là mũi nhọn của Tập đoàn trong ba năm trở lại đây. Việc rút khỏi mảng bán lẻ, vốn chưa mang lại lợi nhuận như kỳ vọng, thậm chí có thể phải tiêu tốn nhiều tiền hơn trong giai đoạn tới nếu tiếp tục giữ lại trước khi đạt điểm hòa vốn, sẽ giúp Vingroup cải thiện năng lực tài chính.
Về phía Masan, hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ sẽ là miếng ghép hoàn chỉnh trong chiến lược từ trang trại đến bàn ăn (mô hình Feed Farm Food - 3F), khi trong thông cáo báo chí về thỏa thuận sáp nhập, công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart và VinMart+ tại 50 tỉnh - thành, giúp MSN tăng cường lợi thế cạnh tranh, tăng biên lợi nhuận, do không phải phụ thuộc và chia sẻ hàng hóa cho mạng lưới các nhà phân phối khác.
Lợi ích từ thương vụ này còn giúp ngành bán lẻ không bị rơi hoàn toàn vào doanh nghiệp nước ngoài khi Việt Nam mở hết cửa thị trường. Với chuỗi bán lẻ có quy mô lớn nhất hiện nay, nếu VIC lựa chọn chuyển giao cho một tập đoàn nước ngoài thay vì là MSN, thì chẳng khác nào là tiếng chuông cảnh báo đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước.