Bảng xếp hạng những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2016 mới đây được công bố.
Những doanh nhân Nam Định tiêu biểu trong bảng xếp hạng người giàu nhất Việt Nam. |
Theo thống kê, trong top 500 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có 256 người được xác định rõ quê quán. Trong số 256 người này, có 13 doanh nhân sinh ra từ Nam Định, nắm giữ hơn 2.800 tỷ đồng.
Tổng tài sản 13 người gốc Nam Định trên sàn chứng khoán tính đến hết 31/12/2016. (tỷ đồng) |
Đứng đầu danh sách này là ông Trần Tuấn Dương, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát với tổng tài sản tính đến 31/12/2016 là 846 tỷ đồng.
Ông Trần Tuấn Dương. |
Ông Trần Tuấn Dương sinh ngày 7/12/1963, tại Nam Định. Ông tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân (1986) và Cử nhân Báo chí.
Sự nghiệp của ông Dương trải qua nhiều năm gắn bó với Hoà Phát. Trước khi nắm giữ cương vị lãnh đạo Tập đoàn Hoà Phát, ông Dương từng làm cửa hàng trưởng Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, sau đó là Phó giám đốc, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Hòa Phát...
Xếp thứ hai là ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng CotecCons với tổng số tài sản nắm giữ là 603 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bá Dương. |
Ông Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959, tốt nghiệp Đại học Xây dựng Kiev năm 1984. Khi về Việt Nam, ông Dương làm việc cho một công ty xây dựng ở phía Bắc.
Sau 3 năm, ông Dương lên đường vào Nam tìm cơ hội lập nghiệp. Đến năm 2002, ông Dương sáng lập và trực tiếp điều hành Xí nghiệp Xây dựng Cotec. Năm 2004, Công ty cổ phần hóa và đổi tên thành CotecCons với vốn điều lệ 15,2 tỷ đồng, ông Dương được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc. Đến năm 2005, ông trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty này.
Đứng thứ 3 trong danh sách này là ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động với tổng số tài sản nắm giữ là 575 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Tài. |
Ông Nguyễn Đức Tài sinh ngày 30/05/1969 tại thành phố Nam Định. Ông tốt nghiệp Cử nhân ngành Tài chính Kế Toán Đại học Kinh Tế TP.HCM, sau đó ông học lên bậc Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh tại Trung Tâm Đào tạo Pháp Việt CFVG.
Vốn sở hữu hơn 10,6 triệu cổ phần của Thế giới di động, nhưng trước khi công ty niêm yết, ông Nguyễn Đức Tài đã chuyển nhượng hơn 9 triệu cổ phiếu sang cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ, một công ty do ông Tài sở hữu 99,9% vốn điều lệ.
Theo phương pháp phân loại của BizLIVE, Toprich chỉ xét tài sản gián tiếp với những công ty do doanh nhân sở hữu 100% vốn, nên ông Tài chỉ xếp thứ 36 trên bảng xếp hạng người giàu với tổng tài sản hơn 583 tỷ đồng từ 3,6 triệu cổ phiếu MWG vị doanh nhân này trực tiếp nắm giữ.
Tuy nhiên nếu tính thêm giá trị của hơn 19,3 triệu cổ phiếu MWG do Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ sở hữu, giá trị tài sản của ông Tài thuộc hàng top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán hiện tại với hơn 3.600 tỷ đồng.
Đứng thứ 4 là trong danh sách này là ông Đinh Quang Chiến, sinh năm 1967. Tính đến hết năm 2016, ông Chiến có 233 tỷ đồng.
Hiện nay, ông Chiến đang nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại các công ty bất động sản và chứng khoán như thành viên Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL), Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện miền Trung (SEB), Thành viên Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Sông Đà 19 (SJM) và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Cổ phần Chứng khoán Sao Việt (SVS).
Một trong những vị “đại gia” gốc Nam Định có tiếng trên sàn chứng khoán Việt Nam vẫn được nhiều người gọi với cái tên “ông trùm” BOT Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty công trình Giao thông Nam Hà (Tasco) kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng Thăng Long. Tổng số tài sản tính đến hết 2016 là 174 tỷ đồng.
Ông Phạm Quang Dũng. |
Ông Phạm Quang Dũng sinh năm 1954, có bằng cấp chuyên môn là một Cử nhân Quản trị kinh doanh. Ông Dũng cũng là một trong hai người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Là ông chủ một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực BOT, với nhiều trục đường khắp các tỉnh Nam Định - Thái Bình - Hà Nội... nhưng mới đây, ông Dũng gây chú ý dư luận với những phát ngôn về thu phí BOT như “Cứ nói nhà đầu tư BOT như tội đồ, chúng tôi ái ngại và không có hưng phấn đầu tư nữa” hay “Cứ nói nhà đầu tư BOT ăn dày... nhưng lợi nhuận đâu mà dư luận nói nhà đầu tư tranh nhau?”.
Tiếp theo trong danh sách những doanh nhân quê Nam Định là ông Trần Túc Mã - Tổng giám đốc CTCP Traphaco; ông Phạm Văn Lương - Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tasco; Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn quản lý Á Châu; Vũ Quang Lâm - thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tasco (HUT); Đỗ Văn Hưng - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBB)...