Cụ thể, từ 1/1/2017, mức lương cơ sở sẽ tăng thêm 7,4%, thành 1,3 triệu đồng/tháng, mức lương tối thiểu vùng cũng được tăng từ 6,7 – 7,5%. Cũng trong quý I/2017, giá xăng dầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng và tăng trong cả năm từ 9 – 15% so với năm 2016. Một số giá cả khác như giá lương thực thực phẩm do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh cũng tác động vào giá cả. Giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT của 31 địa phương còn lại sẽ được điều chỉnh trong năm 2017.
“Những áp lực trên sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng ( CPI ) năm 2017, vì vậy, mục tiêu đạt CPI 4% trong năm 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Phú nhận định.
Do vậy, ông cho rằng cần phải có những giải pháp cơ bản để hạn chế bớt những tác động vào chỉ số giá như tiếp tục kiểm soát một số mặt hàng độc quyền như xăng dầu, điện nước, trên nguyên tắc kiểm soát được giá thành của những mặt hàng đó.
Theo ông, Nhà nước nên xem xét việc bỏ lợi nhuận định mức của kinh doanh xăng dầu, xem xét việc điều hành quỹ bình ổn xăng dầu, đặc biệt là các yếu tố hình thành giá các mặt hàng độc quyền phải được công khai minh bạch cho mọi người được biết một cách rộng rãi để giám sát.
“Những quy định về thời gian bình quân điều chỉnh giá là 15 ngày hiện nay vẫn còn dài, nên điều hành theo bình quân tuần chắc chắn sẽ hiệu quả hơn”, ông nói.
Đối với việc phân phối hàng hoá, ông Phú cho rằng nếu giảm được các chi phí kinh doanh, bớt được một số khâu trung gian vô lý thì người dân sẽ được tiết kiệm được 5 – 10% chi phí mua hàng.
“Điều quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ phải nhận thức được là hiện nay họ đã hưởng lợi nhuận kinh doanh quá mức mà họ được hưởng. Cần đảm bảo lợi nhuận hợp lý trước hết cho khâu sản xuất, đó là cái gốc phát triển bền vững của xã hội. Tiến tới từng bước Quốc hội có phải luật hóa việc phân phối lợi nhuận giữa các khâu của quá trình sản xuất và phân phối tiêu dùng ở Việt Nam cũng như cách mà nước Thái Lan đã áp dụng”, vị chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết.
Cũng theo ông Vũ Vinh Phú , hiện thuế VAT tiêu dùng chưa được hợp lý. Theo đó, 1 kg thịt lợn hiện được bán ở các siêu thị có áp dụng thuế khiến người tiêu dùng phải chịu thêm 10.000 đồng, các loại hàng hoá khác cũng tương tự, chịu từ 5 – 10% thuế.
“Tôi kiến nghị trong điều kiện sức mua còn yếu, giá cả đang đứng ở mức cao vô lý trên thị trường, Quốc Hội nên xem xét sớm tạm thời điều chỉnh mức thuế VAT hiện nay, 2 loại 5% và 10% xuống 4% và 7% tùy theo nhóm hàng cụ thể để kích thích sức mua và phát triển sản xuất mạnh mẽ hơn”, ông Phú đề xuất.
Mặc khác, đối với việc tạo nguồn cung cho bán lẻ, ông Phú cho rằng cần tổ chức lại sản xuất theo hướng sản xuất lớn, năng suất cao, chất lượng đảm bảo. Giải quyết bàn toán chuỗi cung, trước hết các mặt hàng thiết yếu cho thị trường như gạo, thịt các loại, rau củ quả.
Bởi theo ông, làm được việc này, chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt nhiệt của chỉ số CPI hàng năm và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam ở thị trường nội địa trước sức ép thâm nhập của hàng hóa nước ngoài.