Đơn khiếu nại của tập thể người lao động gửi Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương |
Ông Nguyễn Ngọc Kiều, người phụ trách công tác Hành chính nhân sự Công ty TNHH SX TM Nhựa Chính Hiệp cho biết: “Dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, người lao động cũng biến động liên tục, nhưng công ty vẫn bảo đảm ổn định công việc, trả lương và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động... nhằm cùng nhau vượt qua khó khăn. Việc người lao động đột nhiên bị cắt bảo hiểm không chỉ gây hoang mang lo lắng cho người lao động mà còn là điều bất ngờ với công ty. Vì từ trước đến giờ chúng tôi rất sợ“nợ”!
Ghi nhận thực tế tại nơi làm việc, nhiều lao động phản ánh: “Tháng 8, 9 vừa qua tôi bị hư thai, được nghỉ phép 15 ngày. Nhưng đến giờ vẫn chưa được được bảo hiểm xã hội thanh toán lại theo quy định”, chị Nguyễn Thị Nhí, bộ phận sản xuất nói. Tương tự, chị Lê Thị Dân bị đau nhức, thoái hóa cột sống phải bỏ tiền túi đi khám chữa bệnh ngoài giờ bên ngoài mỗi ngày trên 100.000 đồng vì bị cắt bảo hiểm từ tháng 9 đến nay.
Chị Lê Thị Dân bị thoái hóa cột sống phải đi khám, điều trị bên ngoài mỗi ngày trên 100.000 đồng từ tháng 8 đến nay
Theo quy định người lao động có đơn xin nghỉ phép đi khám bệnh, khám sức khỏe định kỳ và có giấy xác nhận của bác sĩ sẽ được hưởng nguyên lương và các khoản phúc lợi khác như thưởng chuyên cần, thưởng đủ ngày đủ việc... Từ tháng 8 đến nay liên tục xảy ra các trường hợp bị cắt bảo hiểm đột ngột khiến người lao động hoang mang lo lắng. Để người lao động an tâm làm việc công ty đã không trừ lương và các khoản thu nhập khác, đồng thời còn đề nghị chi hỗ trợ tiền thuốc mà người lao động đã bỏ ra nhằm bảo đảm sức khỏe cho anh em. “Chúng tôi kính đề nghị Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương sớm xem xét khắc phục giúp công ty và người lao động an tâm trong lúc khó khăn này”, ông Nguyễn Ngọc Kiều đề nghị.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc nêu trên, ông Nguyễn Phi Hiền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: “Đến thời điểm hiện tại đơn vị này (Công ty TNHH SX TM Nhựa Chính Hiệp – NV) đã đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đến đết tháng 7/2020. Hiện số tiền còn nợ là 5 tháng nên bị khóa thẻ bảo hiểm, người lao động không khám bệnh theo bảo hiểm được”.