Vào ngày 26/3, Grab Việt Nam thông báo đã hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber tại khu vực Đông Nam Á với cái cái giá để Uber "buông" thị trường này là 27,5% cổ phần của Grab. Tính đến nay, đã gần 1 tháng kể từ sau thương vụ trên hoàn tất, ông Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab Taxi đã ký văn bản báo cáo đến Bộ Giao thông Vận tải về việc mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber khu vực Đông Nam Á.
Một tháng sau hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber ở Đông Nam Á, Grab Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải. Ảnh minh họa
Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, Grab Việt Nam cho biết, trong thỏa thuận với Uber, công ty đã mua lại tất cả hoạt động kinh doanh của "đối thủ một thời" trong lĩnh vực đặt xe công nghệ (kể cả xe mô tô 2 bánh), giao hàng, logictics và các hoạt động liên quan. Trong đó, mọi mặt bằng thuê, hợp đồng và các đối tác lái xe sử dụng ứng dụng Uber tại Việt Nam cũng sẽ được Grab tiếp nhận. Nếu các lái xe cũ của Uber chấp nhận, họ sẽ được Grab hướng dẫn đăng ký chuyển sang sử dụng ứng dụng Grab thay cho Uber. Theo báo cáo, Grab cho biết quá trình chuyển đổi từ Uber sang Grab cho các tài xế vẫn còn trong quá trình thực hiện, chưa kết thúc, do đó, số lượng xe của Grab hiện nay cũng chưa thể tổng kểt và thống kê chính xác được.
Trong báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải, Grab cho biết cũng giữ nguyên các nội dung đào tạo như tài xế mới tham gia Grab Việt Nam đối với tài xế chuyển qua từ Uber. Grab cho rằng như vậy mới đảm bảo chất lượng cho tài xế cũng như tuân thủ Quyết định 24 và Nghị định 86.
Mặt khác, Grab cũng cho biết sẽ không hỗ trợ tài chính thêm cho hợp tác xã, doanh nghiệp hay tài xế Uber chuyển qua ngoài chương trình hiện tại đang áp dụng cho các đối tác khác. Hiện tại, Grab đã mở thêm các điểm tiếp nhận tài xế, bố trí thêm nhân sự để hướng dẫn cho tài xế nhanh nhất có thể. Công tác chuẩn bị cho đối tác về mặt giấy tờ cần thiết cũng có sự phối hợp của doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải để cùng hỗ trợ tài xế mới gia nhập.
Cũng liên quan đến vụ việc Grab thâu tóm Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh trong thời gian 30 ngày. Tại Singapore và Philippines, Grab và Uber đang được yêu cầu chưa sáp nhập để tiến hành điều tra.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh doanh vận tải dựa trên ứng dụng đặt xe công nghệ dạng như Grab và Uber, trong thời gian tới sẽ có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp khác ở Việt Nam. Mai Linh, Vinasun và mới đây là Phương Trang cũng đã triển khai những công tác cần thiết để mở rộng kinh doanh dịch vụ đặt xe thông qua ứng dụng công nghệ. Như vậy, thị trường sẽ trở nên sôi động hơn, không xảy ra tình trạng độc quyền và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ cách dịch vụ này.