Câu chuyện “2 con dê qua cầu”
Theo lý giải của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc chưa cho thu phí là do trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng của dự án, UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt bổ sung kinh phí đền bù của 4 hộ dân với giá trị hơn 7,8 tỷ đồng nhưng đến nay nhà đầu tư dự án là Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng vẫn chưa hoàn thành yêu cầu đề ra, dù UBND tỉnh Hòa Bình đã nhiều lần đề nghị chuyển kinh phí cho địa phương để chi trả cho người dân.
Trong khi đó, phía nhà đầu tư lại cho rằng, theo hợp đồng BOT đã ký giữa chủ đầu tư dự án và Bộ GTVT, tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình sẽ được đưa vào khai thác sử dụng từ ngày 31/10/2018 và bắt đầu thu phí từ ngày 1/11/2018.
Trạm thu phí trên BOT Hòa Lạc - Hòa Bình đã hoàn thành nhưng chưa thể hoạt động. |
Việc chậm thu phí tới gần nửa năm so với thời gian quy định trong hợp đồng BOT, cùng với sự sụt giảm doanh thu thu phí nên ngân hàng cho vay vốn tín dụng là SHB đã tạm dừng giải ngân cho vay từ đầu tháng 2/2018. Điều này khiến nhà đầu tư dự án không có đủ nguồn kinh phí để thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng tuyến đường.
Bên cạnh đó, cũng chính vì đơn vị cho vay vốn tín dụng chưa chấp thuận giải ngân do hết thời hạn rút vốn nên nhà đầu tư chưa thực hiện việc chuyển kinh phí đền bù GPMB còn lại cho địa phương.
Một bên là Bộ GTVT kiên quyết không cho thu phí vì DN chưa hoàn thành cam kết theo yêu cầu của dự án còn một bên là chủ đầu tư lại cho rằng, việc chậm trễ thu phí dẫn đến việc ngân hàng dừng giải ngân là nguyên nhân khiến DN không thể hoàn thành cam kết theo yêu cầu của dự án, dù rất muốn thực hiện điều đó.
Sự “lệch pha” về mặt quan điểm giữa đôi bên này tồn tại trong một thời gian dài làm tổn hại cho tất cả các bên. Mọi chuyện được đẩy lên đến cực điểm khi nhà đầu tư BOT Hòa Lạc - Hòa Bình bất ngờ có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép tạm dừng phục vụ các phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình kể từ 0h ngày 15/4/2019. Lý do vẫn là vì không được thu phí khiến doanh thu của DN bị sụt giảm. Đương nhiên, đề xuất này đã không nhận được sự chấp thuận của Bộ GTVT.
Những tưởng những vướng mắc giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT Hòa Bình - Hòa Lạc sẽ còn tiếp tục kéo dài và sẽ gây thiệt hại cho cả đôi bên như câu chuyện "2 con dê cùng qua một cây cầu" thì mới đây, Bộ GTVT bất ngờ có động thái tháo gỡ khi chính thức cho phép nhà đầu tư tiến hành thu phí trên tuyến BOT Hòa Lạc - Hòa Bình từ 0h ngày 3/5. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng không quên yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện chuyển kinh phí hơn 7 tỷ đồng giải phóng mặt bằng bổ sung cho các hộ dân như cam kết.
Cái vòng luẩn quẩn của Bộ Giao thông
Việc Bộ GTVT cho phép BOT Hòa Lạc - Hòa Bình thu phí sẽ chấm dứt cuộc tranh cãi giữa đôi bên kéo dài trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, từ câu chuyện BOT Hòa Lạc - Hòa Bình có thể nhận ra nhiều vấn đề về mặt pháp lý cũng như công tác quản lý của Bộ GTVT khi thực hiện các dự án BOT giao thông.
Phân tích về câu chuyện BOT Hòa Lạc - Hòa Bình, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Chuyên gia Giao thông Đường bộ cho rằng, vấn đề cốt lõi ở dự án này chính là bất cập về mặt pháp lý liên quan đến hợp đồng dự án. Việc nhà đầu tư “tố khổ” vì không được thu phí một thời gian dài và “dọa” sẽ “đóng đường” nếu không được thu phí cũng có lý lẽ riêng của họ.
"Tôi cho rằng, nhà đầu tư không hẳn vô lý khi đòi đóng tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình. Chắc chắn họ có lý lẽ, căn cứ của họ” - PGS.TS Nguyễn Quang Toản nói.
Ông Nguyễn Quang Toản cũng phân tích thêm, việc không quy định không chặt chẽ, trong những trường hợp nào chủ đầu tư được đóng tuyến đường, trường hợp nào không được đóng nên chủ đầu tư mới có cớ đòi đóng tuyến đường, hay đòi trả hoặc bán lại dự án BOT cho Nhà nước như đã từng xảy ra tại nhiều dự án khác. Đây chính là sai sót dẫn tới tranh cãi giữa đôi bên dù cả hai đều có lí lẽ của riêng mình.
Trong khi đó, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB GTVT lại cho rằng, lỗi chính trong câu chuyện BOT Hòa Lạc - Hòa Bình thuộc về Bộ GTVT. TS Xuân Thủy phân tích rằng, sau khi những bất cập liên quan đến các dự án BOT giao thông phát lộ trong những năm gần đây, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT đã từng hứa trước Nhân dân là sẽ thực hiện các dự án BOT giao thông theo đúng nguyên tắc không độc đạo. Tức là muốn làm một tuyến đường BOT phải đảm bảo đó không phải là đường độc đạo mà là phải có một tuyến đường khác không thu phí để người dân có quyền lựa chọn.
Đối với tuyến đường nối từ Hà Nội lên Hòa Bình, ngoài Hòa Lạc - Hòa Bình còn có QL6 nhưng vấn đề nằm ở chỗ, QL6 đã từng được Bộ GTVT cho phép làm đường BOT và đã có trạm thu phí BOT. Khi tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình được đầu tư theo hình thức BOT, chắc chắn trước sau cũng được thu phí. Như vậy cả 2 tuyến đầu coi như là đường độc đạo. Điều này trái với lời hứa của chính Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Song nếu không cho nhà đầu tư thu phí, Bộ GTVT lại vi phạm hợp đồng đã ký với nhà đầu tư. Đây chính là cái vòng luẩn quẩn mà Bộ GTVT đang vướng phải.
"Muốn làm đường BOT thì không được làm trên tuyến đường độc đạo. Tức là ngoài tuyến BOT cần phải có một truyến khác không thu phí để cho người dân có quyền lựa chọn. Nhưng cả BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và QL6 nối từ Hà Nội lên Hòa Bình đều là đường BOT. Dù là hai tuyến đường nhưng lại biến thành đường độc đạo” - TS Nguyễn Xuân Thủy nhận định.
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình có tổng mức đầu tư 2.723 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 5/2014. Trong đó, đường Hòa Lạc - Hòa Bình được đầu tư mới, nối tiếp đại lộ Thăng Long đến xã Trung Minh, TP Hòa Bình, được thông xe ngày 10/10/2018. Tuyến đường này được hoàn thành giai đoạn I với quy mô đường cấp III đồng bằng rộng 12m với 2 làn xe. Để hoàn vốn dự án, liên danh nhà đầu tư Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội (Hanco) - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc được thu phí tại trạm thu phí ở km 17+100 đường Hòa Lạc - Hòa Bình. Thời gian thu phí cả 2 tuyến đường dự kiến là 27 năm 6 tháng 9 ngày. |