Nhiều doanh nghiệp vào cuộc
Tại Việt Nam, các mô hình chuyển đổi số đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống.
Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp, cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh kế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tồn tại và phát triển.
Trong công cuộc chuyển đổi số, vai trò dẫn dắt của quốc gia là rất rõ nét. Nhiều tư tưởng quốc gia đã được Bộ TT&TT tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó có AI. Dữ liệu chính là điểm đột phá, để phát triển AI và trợ lý ảo. Từ nay đến cuối năm 2023, Bộ TT&TT sẽ tập trung điều phối, tập hợp dữ liệu, phát triển các công cụ gán nhãn dữ liệu để có 1 tập dữ liệu tiếng Việt tốt, từ đó phục vụ các doanh nghiệp phát triển các mô hình AI, mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt. (Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng) |
Là doanh nghiệp tiên phong cung cấp nhiều giải pháp số, Giám đốc Chuyển đổi số Công ty CP MISA Trịnh Văn Biển cho biết, nền tảng số là hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến hoạt động theo mô hình sử dụng công nghệ số. Nền tảng số là “hạ tầng mềm” của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số.
Để làm được điều đó, càng có nhiều người sử dụng dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn. Có thể sử dụng ngay, đơn giản, thuận tiện, linh hoạt theo yêu cầu cụ thể; Dễ dàng phổ biến trên diện rộng; Nhiều bên cùng tham gia để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; Các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành, duy trì…
Một buổi chia sẻ về số hóa. Ảnh: Khắc Kiên
Đưa ra quan điểm của mình, Tổng Giám Đốc VieON Huỳnh Long Thuỷ thẳng thắn, cách đây 10 - 15 năm về trước, việc xây dựng một Website dịch vụ hay ứng dụng (Application) sẽ đơn giản là xây dựng sản phẩm và phát hành lên không gian mạng.
Song, với tốc độ phát triển như vũ bão của nền công nghệ số và Internet, các sản phẩm về công nghệ được phát triển, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt dẫn tới tư duy về dữ liệu, sử dụng dữ liệu để quản trị vận hành và phát triển sản phẩm được quan tâm nhiều hơn. Một ứng dụng hay sản phẩm đạt được thành công bắt buộc phải chú ý đến yếu tố kiến tạo, quản trị và vận hành sản phẩm đó hoàn toàn dựa trên dữ liệu (khái niệm Data driven).
VieON không ngừng phát triển, đổi mới, tiên phong trong việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào ứng dụng như: Đầu tư vận hành trên hệ thống CDN (Content Delivery Network) riêng, không chỉ giải quyết tình trạng “thắt cổ chai” giữa người dùng và Server mà còn tối ưu hóa băng thông mang đến tốc độ truy cập nội dung nhanh chóng; đề xuất nội dung giải trí theo nhu cầu, sở thích của cá nhân thông qua hệ thống giới thiệu nội dung thông minh (Content Recommendation) với sự hỗ trợ từ Big data và AI; hệ thống AI và Machine Learning cung cấp những thông tin phân tích rõ ràng về người dùng, giúp đội ngũ sản xuất tạo nên những nội dung phù hợp.
Vẫn cần sự chung tay
Rõ ràng, những nỗ lực và thành tựu của Chính phủ nói chung, Bộ TT&TT nói riêng những năm qua trong công tác chuyển đổi số là đáng ghi nhận trong một bối cảnh hiện thực còn nhiều những hạn chế, những rào cản, khó khăn và thách thức.
Tuy nhiên, để tiến trình chuyển đổi số quốc gia đi nhanh, đúng hướng, góp phần giải quyết được những vấn đề cần phải cố gắng của các bên liên quan cùng đồng hành. Do đó cần có một cơ chế, cơ sở để các bên đều có thể góp nên tiếng nói, công sức vào công cuộc chung.
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số Lê Nguyễn Trường Giang, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của riêng một đơn vị nào, chuyển đổi số là câu chuyện chung khi có những động lực để mọi người cùng chung sức. Cách tốt nhất là mở rộng để tất cả cùng làm, cùng có lợi, cùng thành công. Điều quan trọng, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số là tìm cách cho sự hợp lý…
“Thực hiện chuyển đổi số có thể cản trở, nhưng không thể đảo ngược, không thể dừng lại. Bởi cỗ xe xu thế đang có vị thế tốt nhất để không ai có thể dừng” – vị này ví von.
Đồng thời cho biết, Việt Nam đang khuyến khích những nền tảng mở, dữ liệu mở, khuyến khích nền tảng chia sẻ trong kinh tế, dữ liệu và những cơ hội – thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số. Do vậy, phải tạo ra nhưng cơ chế, cách thức mở. Việc đào tạo về chuyển đổi số cũng vậy, cần hướng tới việc định hình ra những tiêu chí, tiêu chuẩn và những chuẩn mực về chất lượng, huy động được trí tuệ và sức mạnh của tập thể.
Từ thực tế, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT) Nguyễn Hải Hùng nhận định, chuyển đổi số quốc gia đang là chương trình trọng điểm của Chính phủ với mục tiêu tập trung triển khai năng lực số đến từng doanh nghiệp. Đặc biệt, sở hữu nền tảng kinh tế với 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguồn lực hạn chế (tài chính, con người, công nghệ), nên việc đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trở nên cấp thiết.
Do đó, Hà Nội đã triển khai nhiều đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Mục tiêu cụ thể là 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Song bản thân doanh nghiệp cũng phải thay đổi tư duy, nhận thức thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, điều hành để tăng giá trị. Nếu mơ hồ chuyển đổi số doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh.