Sinh ra và lớn lên trên đất Hưng Yên nhưng ông Phạm Huy Tấn (SN 1970; hiện ngụ xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) không có điều kiện đầu tư nuôi giống gà Đông Tảo tiến vua nức tiếng của quê hương mình. Ông bôn ba khắp nơi làm ăn. Trong một lần vào Thanh Hóa, ông thấy đất đai mênh mông mà người dân bỏ phí nhiều nên nảy ra ý tưởng đưa giống gà Đông Tảo vào đây nuôi thử.
Sau nhiều lần đắn đo, năm 2011, ông quyết định bán hết nhà cửa ở huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) vào xã Xuân Du mua lại 4.000 m2 đất. Để cải tạo mảnh đất khô cằn này, vợ chồng ông phải mất nhiều công sức san ủi, trồng các giống cây như bưởi, cam, quất… để cầm cự ban đầu trên vùng đất mới. Sau khi đã có lưng vốn, ông Tấn đầu tư 500 triệu đồng làm trang trại hoàn chỉnh, về quê đưa 180 con gà giống Đông Tảo vào nuôi thử nghiệm. Lứa nuôi đầu tiên, gà chết quá nửa nhưng ông thấy gà lớn nhanh, thịt chắc và thơm ngon chẳng thua kém gì ở quê Hưng Yên.
Đàn gà Đông Tảo đặc sản ở trang trại của ông Phạm Huy Tấn |
Từ lần thất bại đó, ông quyết mày mò, tìm hiểu kiến thức chăn nuôi gà Đông Tảo từ những người có kinh nghiệm ở quê và rồi tìm hiểu thêm thông tin trên sách báo khoa học. Thử nghiệm nhiều lần, ông đã nắm chắc kinh nghiệm từ khâu chọn giống, chọn thức ăn phù hợp cho đến chăm sóc, phòng bệnh... cho gà.
“Thực chất, việc nuôi gà Đông Tảo không khó. Lúc đầu sức đề kháng gà hơi yếu nên nếu chăm tốt được khâu này khi gà trưởng thành sẽ rất khỏe và phát triển khá nhanh. Vì thế, khi xây dựng chuồng trại phải chú ý cho thoáng mát về mùa hè và giữ ấm vào mùa đông” - ông Tấn nói.
Cũng theo ông Tấn, nếu nuôi nhốt chật hẹp, gà sẽ lười vận động, dễ sinh bệnh và nếu có nuôi được thì chất lượng thịt cũng không đạt. “Nuôi giống gà này phải có không gian rộng lớn, có sân chơi, nhiều ánh nắng, cây cối để gà vận động, bay chạy, đồng thời cho gà ăn các thức ăn tự nhiên như cám, lúa, bắp, rau xanh… thì gà sẽ phát triển rất tốt, chất lượng thịt thơm ngon” - ông Tấn chia sẻ.
Nhờ chịu khó học hỏi mà chỉ sau 2 năm gầy dựng, trang trại gà của ông Tấn đã phát triển ổn định. Năm 2013, ông tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng để chủ động nhân giống cung cấp ra thị trường. Trong 3 năm trở lại đây, mỗi năm trang trại của ông xuất bán khoảng 4 tấn gà thịt và 7.000 con gà giống. “Năm nay, tôi nuôi trên 4.000 con nhưng hiện khách đã đặt trước gần hết, chỉ còn 400 gà mẹ và gần 1.000 con gà thịt. Năm nay là năm con gà nên bà con đặt gà ăn Tết cũng nhiều, chắc không đủ gà để bán” - ông Tấn hồ hởi.
Hiện trang trại của ông bán 100.000 đồng/con gà giống, 300.000-500.000 đồng/kg gà thịt. Riêng loại gà nuôi lâu năm, đạt 5 kg/con, được bán với giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng/kg. Với thành công trên, ông Tấn đã thuê khoảng 3 ha đất mở rộng trang trại. Ông cũng đang nuôi thử nghiệm một số giống gà quý của nhiều địa phương khác như gà đồi Yên Thế, gà đồi Ba Vì, gà Móng Hà Nam… để nhân rộng mô hình.
Giúp nhiều người mở trang trại Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Xuân Du, cho biết gia đình ông Phạm Huy Tấn là điển hình nông dân giỏi, phát triển trang trại của địa phương. “Anh ấy không chỉ biết làm giàu cho mình mà còn giúp đỡ nhiều hộ dân trong xã cùng nhân rộng mô hình trang trại chăn nuôi. Hiện trong xã đã có vài chục hộ đến học tập kinh nghiệm chăn nuôi và có nhiều gia đình xây dựng trang trại theo mô hình của anh Tấn, thu nhập rất khá” - ông Sinh nói. |