Một cơ sở của hãng dược phẩm Pháp Sanofi tại Thượng Hải. Ảnh chụp ngày 02/08/2013/Reuters |
Báo Le Monde cho rằng, việc mô hình kinh tế Trung Quốc chuyển đổi đang gây xáo trộn trong hoạt động của 1.500 doanh nghiệp Pháp ở Trung Quốc, với vô số các doanh nghiệp vừa và nhỏ hay các xí nghiệp cỡ trung bình, bên cạnh 15 tập đoàn lớn của Pháp như Michelin, Vuitton, Sanofi, Auchan… mà theo số liệu năm 2014, đã tạo ra được hai phần ba trong tổng số 570.000 công việc làm tại quốc gia châu Á này.
Để nêu bật các khó khăn mà các doanh nghiệp Pháp gặp phải, bài báo của Le Monde nêu lên ví dụ cụ thể của Redex, một công ty cỡ trung bình tại tỉnh Loiret miền Trung nước Pháp, chuyên sản xuất máy cán thép cao cấp ở Pháp và Đức. Ngay từ năm 2009, công ty này đã bắt đầu mở một trung tâm thẩm định và sửa chữa tại Thượng Hải.
Những chuyển đổi kinh tế hiện nay tại Trung Quốc theo hướng chú ý nhiều hơn đến lãnh vực dịch vụ và tiêu thụ nội địa không phải là không thuận lợi cho Redex, như nhận định của bà Sylvie Grandjean, lãnh đạo chi nhánh của công ty Pháp tại Trung Quốc, nhất là khi thị trường đã bớt chú ý đến giá rẻ, để chuyển sang đòi hỏi chất lượng cao.
Bị buộc phải chuyển giao công nghệ
Tuy nhiên vấn đề đặt ra lại là để có sản phẩm chất lượng cao, thì phải du nhập công nghệ mới từ nước ngoài nếu trong nước chưa có. Và theo Le Monde, một trong những mối ưu tư lớn của các doanh nghiệp Pháp tại Trung Quốc chính là việc họ bị buộc phải chuyển giao công nghệ.
Để thành lập cơ sở tại Trung Quốc, các công ty nước ngoài bị bắt buộc phải liên doanh với đối tác địa phương trong nhiều lĩnh vực (quốc phòng, hàng không, chế tạo xe hơi, viễn thông…).
Tại Redex, để tránh cho công nghệ của mình bị đánh cắp, ngay từ đầu, công ty này đã loại trừ hình thức liên doanh với phia Trung Quốc. Và khi mở chi nhánh Thượng Hải, với khoảng 20 nhân viên hoàn toàn người Trung Quốc, Redex đã cẩn thận "phân mảnh cấu trúc của doanh nghiệp, để cho không có bất kỳ liên lạc nào giữa các thực thể khác nhau của công ty".
Nhìn chung, theo ông Guillaume Bernard, Tổng giám đốc chi nhánh công ty con tại Trung Quốc của Bernard Controls, một nhà sản xuất động cơ điện cho các loại van dùng trong các nhà máy điện hạt nhân, thì các doanh nghiệp Pháp "luôn luôn gặp phải những vấn đề rất lớn về quyền sở hữu trí tuệ, mà Trung Quốc có một cách giải thích rất cá biệt".
Thế nhưng, theo ông, cẩn thận không không đủ vì "Người Trung Quốc đang tiến triển một cách rất nhanh chóng", và thách thức đối với các công ty Pháp là làm sao để không bị phía Trung Quốc bắt kịp.
Một khó khăn khác làm cho Trung Quốc không còn là con gà đẻ trứng vàng cho các doanh nghiệp Pháp nữa: Đó là chi phí nhân công không còn thấp như trước đây. Theo ông Bernard : "Từ hai, ba năm nay, chi phí cho một kỹ sư Trung Quốc đã bằng chi phí cho một kỹ sư người Pháp".
Ông Alban Dastugue, cố vấn phụ trách quốc tế của Phòng Thương Mại và Công Nghiệp vùng Paris Ile-de-France thẩm định: "Trong những năm 2000, Trung Quốc rất được ưa chuộng. Hiện nay thì không còn như vậy nữa".