Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá xuất khẩu có xu hướng tăng là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu thủy sản sớm đạt mục tiêu cán đích 10 tỷ USD trong năm 2024.
Phục hồi tích cực
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), 9 tháng năm 2024, xuất khẩu thủy sản đạt 7,16 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 9, xuất khẩu đạt 866 triệu USD, tăng 6,4% so với tháng 9/2023.
Hiện diễn biến của các thị trường nhập khẩu đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm, đạt đỉnh vào quý III/2024.
Theo đó, xuất khẩu thủy sản trong quý III/2024 đạt mức kỷ lục 2,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các mặt hàng chủ lực như cá tra, tôm, cua, ghẹ và nhuyễn thể có vỏ đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội, lần lượt là 13,5%, 17,5%, 56% và 95%.
Các mặt hàng tăng trưởng mạnh trong 9 tháng qua phải kể đến như cá tra có kim ngạch xuất khẩu đạt 1,46 USD, tăng 8%. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm cá tra chế biến; trong khi đó, sản phẩm cá tra nguyên con đông lạnh và cá tra phi lê, cắt khúc đông lạnh chỉ tăng trưởng nhẹ.
Tương tự, mặt hàng tôm mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 2,8 USD, tăng 10,5%. Năm nay, tôm đông lạnh xuất khẩu vẫn bị tác động bởi xu hướng giá chưa phục hồi rõ rệt, cùng với áp lực giá bán cạnh tranh với tôm Ecuador và Ấn Độ. Do tôm chế biến của Việt Nam vẫn có vị thế tốt ở các thị trường nên lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 2 tỷ USD, xuất khẩu tôm sú đạt 334 triệu USD.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Chiến Công
Hay như xuất khẩu cua ghẹ, từ đầu năm tới nay luôn giữ được mức tăng trưởng cao khi 9 tháng qua, tăng 66% so với cùng kỳ, đạt 227 triệu USD, chủ yếu nhờ xuất khẩu sản phẩm cua sống sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ trong 9 tháng qua tăng trưởng 16%, đạt giá trị kim ngạch 715 triệu USD. Duy chỉ có mặt hàng mực, bạch tuộc, trong 9 tháng qua là giảm nhẹ 2,7% so với cùng kỳ, đạt 464 triệu USD.
VASEP đánh giá, những yếu tố quan trọng góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu thủy sản Việt Nam là sự đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Các DN thủy sản đã không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu thủy sản.
Ngoài ra, việc tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường quốc tế với thuế suất ưu đãi.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hùng Cá Trần Văn Hùng chia sẻ: “Trong năm 2024, sản lượng xuất khẩu của công ty tăng từ 10 - 20%. Ví dụ như những năm trước mỗi tháng xuất khoảng 300 container thì năm nay mỗi tháng chúng tôi xuất khoảng 360 container. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi sản xuất không kịp cho các đơn hàng từ đối tác nước ngoài.
Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa Trần Anh Khoa cho hay, đơn hàng trong những tháng cuối năm nay tăng khá nhiều so với cùng kỳ năm trước từ 10 - 15%. Từ tháng 8/2024, nhiều khách hàng nước ngoài đã đến công ty đặt hàng nên chúng tôi đang dồn sức tập trung chuẩn bị nguồn nguyên liệu, tăng thời gian sản xuất để phục vụ đáp ứng các đơn hàng vào cuối năm nay.
Tận dụng dư địa từ các thị trường tiềm năng
Theo Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc, những kết quả tích cực của xuất khẩu thủy sản không chỉ nhờ vào sự đa dạng hóa sản phẩm, mà còn đến từ nhu cầu thị trường đang phục hồi và giá cả có xu hướng tăng, đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DN trong ngành.
“Trong năm 2024, ngành thủy sản dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu gần 10 USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023. Nhu cầu của các thị trường đang hồi phục, giá xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng là động lực cho DN thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm và năm 2025” - bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhấn mạnh.
Nhìn nhận về những thách thức của xuất khẩu thủy sản, nhiều chuyên gia cho rằng: hầu hết thị trường nhập khẩu đang gia tăng nhiều tiêu chuẩn khắt khe nên các DN Việt Nam cần chú ý nhiều vào những chứng nhận bền vững để duy trì năng lực cạnh tranh của mình.
Đơn cử như, đối với thị trường CPTPP đang là khu vực thị trường quan trọng của Việt Nam, luôn chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu. Dư địa thị trường này là rất lớn nhưng mức tăng trưởng chưa tương xứng với kỳ vọng. Do đó, các cơ quan Nhà nước, hiệp hội, ngành hàng cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường hơn nữa những hoạt động kết nối để tận dụng dư địa ở thị trường CPTPP.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tập trung tháo gỡ, xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc, Mỹ; đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam.
Cùng với việc thông tin thị trường, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần đôn đốc, hướng dẫn ngư dân gấp rút thực hiện giải pháp khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để bảo đảm nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu và đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững.
Khuyến nghị đối với các DN, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, thị trường xuất khẩu thủy sản vẫn còn nhiều thách thức, rào cản và sức ép cạnh tranh với các nước khác, vấn đề thẻ vàng IUU, thuế chống trợ cấp tại Mỹ…
Do vậy, DN Việt Nam cần sẵn sàng tâm thế đối diện với thách thức, vượt qua những rào cản, song cũng rất cần chủ động tìm kiếm khách hàng từ các hội chợ, triển lãm thủy sản quốc tế tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc để có thể hồi phục hoàn toàn.
Ngoài ra, ông Trần Thanh Hải cũng nhận định, cuối năm là thời điểm có nhiều sự kiện, lễ hội nên mức tiêu thụ mặt hàng thủy sản sẽ tăng mạnh. Việc bảo đảm chất lượng, sản lượng và khai thác tốt dư địa từ các thị trường sẽ giúp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sớm cán đích mục tiêu gần 10 tỷ USD trong năm nay.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, để đạt mục tiêu xuất khẩu gần 10 tỷ USD trong năm nay, các DN thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Cụ thể, các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Bên cạnh đó, DN cần đẩy mạnh công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm đến người tiêu dùng, xây dựng hình ảnh và độ nhận diện cho thủy sản Việt Nam, đồng thời cập nhật thông tin từ các thị trường, đánh giá đúng diễn biến tình hình để phản ứng thích hợp và kịp thời nhất.
Cơ hội xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm nay là rất lớn, nhất là khi nước ta đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển các đơn hàng của Mỹ và các lợi thế đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc. Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan chức năng đang nỗ lực hỗ trợ DN thông qua các chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu và nâng cao chất lượng sản phẩm. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến |